Top

Hiến kế để TP.HCM thành trung tâm dịch vụ bất động sản khu vực

Cập nhật 09/07/2019 13:15

Từ nay đến năm 2030, UBND TP.HCM quyết định xây dựng "Đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước".



Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), để góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế thành phố theo hướng dịch vụ và định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ của thành phố từ nay đến năm 2030, UBND TP.HCM đã quyết định xây dựng "Đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước".

Theo ông Châu, để trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và khách hàng trong nước, quốc tế, TP.HCM cần phải đáp ứng được nhiều yêu cầu. Thứ nhất, thị trường bất động sản của thành phố phải tiệm cận được các chuẩn mực quốc tế; Phát triển bất động sản theo hướng xanh và thông minh; Sản phẩm bất động sản đa dạng; Có tỷ suất sinh lợi hấp dẫn trong trung hạn, dài hạn; Có khả năng chống chịu khủng hoảng; Trong tương quan so sánh, phải ít tiềm ẩn rủi ro hơn so với các nước trong khu vực, nhất là trong điều kiện độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn.
TP.HCM được kỳ vọng thành trung tâm dịch vụ bất động sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Thứ hai, môi trường kinh doanh nói chung và môi trường kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản phải minh bạch, bình đẳng, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Thứ ba, cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản phải được cập nhật đầy đủ, trung thực, theo thời gian thực (Real time) mà mọi người đều truy cập được.

Cuối cùng phải phát triển đồng bộ cả cơ sở hạ tầng vật thể và cơ sở hạ tầng phi vật thể, như hạ tầng giao thông, vận tải; hạ tầng năng lượng; hạ tầng kỹ thuật đô thị và quy hoạch phát triển đô thị; hạ tầng mạng (cả đường truyền, phần cứng và phần mềm); hạ tầng tài chính, ngân hàng; hạ tầng dữ liệu lớn (Big Data); hạ tầng pháp lý; nguồn nhân lực...

Ngoài ra, để xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước, cần giải quyết điểm nghẽn về thể chế pháp luật: Cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính thống nhất, tính hệ thống, tính đồng bộ và tính khả thi; Thực thi pháp luật công minh; Quy trình thủ tục hành chính minh bạch… Giải quyết điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng: Từ nay đến năm 2030, cần ưu tiên phát triển có chọn lọc hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải (logistics), hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch phát triển đô thị, hạ tầng mạng tiệm cận chuẩn mực quốc tế; đảm bảo an ninh năng lượng nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

TP.HCM cần giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực: Coi giáo dục là quốc sách, nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học, đào tạo chuyên viên kỹ thuật, công nhân lành nghề, tăng cường huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp, công nghệ thông tin, sử dụng tiếng Anh là phổ biến chỉ sau tiếng Việt, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và hội nhập quốc tế.

“Ngoài ra, TP.HCM phải tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Phát triển thị trường bất động sản với nhiều loại hình sản phẩm đa dạng để đáp ứng nhu cầu trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Xây dựng đầu mối cung cấp thông tin thị trường bất động sản (cơ quan đầu mối, cổng thông tin), để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. TP phải sớm hoàn thành xây dựng Trung tâm triển lãm tầm cỡ quốc gia và quốc tế tại TP.HCM”, ông Châu góp ý.

DiaOcOnline.vn – Theo PLO