Quy định Quản lý kiến trúc hai bên tuyến đường do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội soạn thảo dự kiến được phê duyệt trong quý I-2011. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp thành phố dẹp nhà siêu mỏng, siêu méo.
Nhà siêu mỏng trên đường Lê Văn Lương kéo dài . Ảnh: Minh Tuấn
|
Trăm hoa đua nở
Tại nơi giao cắt giữa đường Khuất Duy Tiến với Lê Văn Lương nối dài vừa thông xe được chưa đầy 3 tháng hiện đầy rẫy nhà siêu mỏng, siêu méo. Mỗi nhà một kiểu thiết kế, một cốt nền khác nhau xiên xẹo khiến ngã ba đường vốn thường nêm chặt xe cộ này càng nhếch nhác hơn.
Gần đó, tại ngã tư Khuất Duy Tiến với đường Nguyễn Trãi mới hoàn thành cũng san sát nhà siêu mỏng, siêu méo. Nhiều căn nhà mặt phố có chiều ngang chỉ 2 m cũng được xây 4-5 tầng, ban công, biển quảng cáo đua nhau lấn chiếm vỉa hè. Tại nhiều ngã tư, các tuyến đường mới mở khác, nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện tràn lan.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có tới 172 căn nhà siêu mỏng, có kích thước hình học không phù hợp với quy định về kiến trúc, cảnh quan và đa số được xây dựng trong vài năm gần đây. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại quận Thanh Xuân (82 công trình), quận Cầu Giấy (19 công trình), quận Đống Đa (12 công trình), quận Hai Bà Trưng (11 công trình)...
Nguyên nhân chính dẫn đến phát triển tràn lan loại nhà dị dạng này là do phương án lập, triển khai các dự án mở đường qua các khu dân cư cũ chưa cụ thể, đồng bộ, khả thi để hình thành mặt phố theo quy hoạch, chủ yếu mới giải phóng mặt bằng theo chỉ giới đường đỏ.
Khi mở đường đã để lại công trình bị cắt xén, lô đất có kích thước hình học không đảm bảo, gây khó khăn cho công tác quản lý kiến trúc và trật tự đô thị. Việc phát hiện, xử lý công trình không phép, sai phép của nhiều quận huyện còn rất hạn chế...
Quản lý kiến trúc hai bên đường
Hà Nội đưa ra biện pháp mạnh để dẹp nhà siêu mỏng, siêu méo (ảnh chụp tại ngã tư Khuất Duy Tiến và Nguyễn Trãi) . Ảnh: Minh Tuấn |
Ông Vũ Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ không còn tồn tại khi Quy định Quản lý kiến trúc hai bên tuyến đường được thành phố phê duyệt tới đây.
Cũng theo ông Định, Luật Quy hoạch đô thị có hiệu lực từ 1-1-2010 tạo thêm căn cứ pháp lý để thực hiện đồng bộ làm đường với xây phố. Đây là vấn đề rất khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, đến quyền lợi của người dân. “Trước đây khó thực hiện cũng vì thiếu hướng dẫn của Bộ Xây dựng” - Ông Định nói.
Ngay trong Luật Quy hoạch đô thị hiện nay yêu cầu khi làm đường phải lấy vào hai bên khoảng 50 m để xây dựng hạ tầng đồng bộ với tuyến đường và giải quyết quy hoạch và kiến trúc hai bên tuyến đường, tránh tình trạng xảy ra nhà siêu mỏng, siêu méo. “Ngân sách nhà nước bỏ ra số tiền rất lớn để xây dựng đường, nhưng lại không làm gì để xây dựng tuyến phố hai bên”.
Ông Định khẳng định, khi Quy định Quản lý kiến trúc hai bên tuyến đường được phê duyệt sẽ tạo ra sự đồng bộ, xác định rõ mật độ xây dựng, chiều cao, nơi nào xây cao tầng, nơi nào xây thấp tầng, khu công viên cây xanh, phục vụ công cộng, điểm nhấn kiến trúc, nhà trẻ...
Về tính khả thi của quy định, ông Vũ Tuấn Định cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của người dân diện phải giải tỏa, nên bố trí tái định cư ngay tại chỗ khi xây các khu nhà cao tầng hai bên đường theo quy hoạch.
“Đây là điểm đột phá của Hà Nội nên cần sự quyết tâm ngay từ đầu. Bộ mặt đô thị của thành phố sẽ thay đổi nhiều nếu thực hiện tốt quy định này” - Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho hay.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: