Theo Nghị định 71/CP có hiệu lực ngày 8/8/2010 trong đó có mục cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; đối với chung cư cũ chưa hết niên hạn sử dụng hoặc chưa xuống cấp đến mức nguy hiểm và nhà tập thể, khu dân cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại thì chủ đầu tư được thỏa thuận với các chủ hộ để bồi thường, làm dự án. Việc phá dỡ nhà chỉ được thực hiện khi có 2/3 tổng số chủ hộ đồng ý.
Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), Hà Nội dẫn đầu danh sách có số nhà tập thể cũ cần xây dựng lại với 456 chung cư cũ thuộc 23 khu tập thể lớn, với tổng diện tích khoảng 1 triệu m2. Từ nhiều năm nay, TP đã tổ chức nhiều hình thức và khởi động hàng chục dự án cải tạo chung cư lớn nhỏ.
Để thực hiện việc xây dựng lại các khu nhà tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội, năm 2007 Chính phủ đã có Nghị quyết số 34/CP về giải pháp thực hiện việc xây dựng lại các khu nhà tập thể cũ. Năm 2008, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-UBND về quy chế thực hiện xây dựng lại các khu tập thể cũ trên địa bàn TP.
Cho tới nay, TP đã hoàn thành xong nhà tập thể cũ B14 Kim Liên, và đang triển khai xây dựng nhà tập thể cũ 11,12,13 Thái Hà; nhà tập thể cũ B6 và C7 Giảng Võ; C4 Kim Liên. Tuy nhiên, do những khó khăn khác nhau, nhiều dự án lớn như cải tạo khu tập thể cũ Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Thành Công, Giảng Võ… vẫn bị chậm tiến độ. Trong khi đó, theo Nghị quyết 34/CP của Chính phủ và Nghị quyết số 07/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội, từ nay đến năm 2015 phải hoàn thành xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn TP.
Ngày 19/7, Chính phủ đã có Thông báo số 202/TB-VPCP đồng ý cho Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện các dự án nhà cao tầng trong 4 quận nội thành. Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có Thông báo số 208/TB-VPCP trong đó có mục ưu tiên việc xây dựng lại các nhà tập thể cũ trong công việc 6 tháng cuối năm. Với chủ trương đó, nhiều doanh nghiệp tiếp tục “khởi động” lại dự án theo hướng xã hội hóa mà Chính phủ và TP đề ra.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: