Top

Hà Nội bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng

Cập nhật 29/11/2018 14:27

Nhiều thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Xây dựng vừa được UBND TP Hà Nội bãi bỏ.

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6470/QĐ-UBND về công bố danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Xây dựng.

Trong đó, 10 thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở gồm: Thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua (bán nhà “trên giấy”); Thuê nhà ở công vụ thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh;

Cho thuê nhà ở sinh viên thuộc sở hữu nhà nước; Cho thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước; Bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước;

Cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, thuộc sở hữu nhà nước; Chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Nhà ở 2014 (trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công);

Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quy định tại Khoản 5 Điều 9 Nghị định sổ 99/2015/NĐ-CP; Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quy định tại Khoản 6 Điều 9 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP; Lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Ảnh minh hoạ.

Cũng theo quyết định trên, 2 thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản, gồm: Cấp mới chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; Cấp lại (cấp đổi) chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản do bị mất, bị rách, bị cháy, bị hủy hoại do thiên tai hoặc lý do bất khả kháng. Do hết hạn (hoặc gần hết hạn).

Và, 1 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, gồm: Cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh.

Cuối cùng là 10 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, gồm: Chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng II, III của cá nhân nước ngoài; Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng II, III;

Cấp nâng hạng chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng II, III; Điều chỉnh, bổ sung chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng II, III; Cấp lại chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng II, III (đối với trường hợp bị thu hồi quy định tại điểm b, c, d Khoản 2 Điều 44a Nghị định số 100/2018/NĐ-CP);

Cấp lại chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng II, III (trường hợp chứng chỉ mất, hư hỏng, hết hạn); Cấp lại chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng II, III do lỗi của cơ quan cấp; Cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng II, III;

Cấp lại chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng II, III; Điều chỉnh, bổ sung chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng II, III (về lĩnh vực hoạt động và hạng).

Bãi bỏ 04 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Xây dựng Hà Nội. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Quyết định số 3063/QĐ-UBND ngày 13/5/2013 và Quyết định số 1616/QĐ-UBND ngày 08/3/2017 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội hết hiệu lực. Các thủ tục: số 03, số 04 Mục IV Phần I lĩnh vực kinh doanh bất động sản; số 01, số 02 Mục II Phần I lĩnh vực Hạ tầng kỹ thuật đô thị tại Quyết định số 1859/QĐ-UBND ngày 22/4/2011 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội hết hiệu lực.

Bất động sản khi chào bán phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.

Việc Sở Xây dựng Hà Nội liên tục công bố danh sách các dự án bất động sản hình thành trong tương lai đủ điều kiện đưa vào kinh doanh kể từ tháng 9.2015 đến nay cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người cho rằng, đây được cho là động thái tích cực, góp phần minh bạch hơn thị trường bất động sản, giúp người mua an tâm hơn với dự án mở bán đúng luật.

Nhưng thực tế, có nhiều dự án đã mở bán rầm rộ ngoài thị trường, thậm chí đã bán “sạch sẽ” trước thời điểm công bố. Các chủ đầu tư vẫn đua nhau lách luật huy động tiền của dân dù chưa đủ điều kiện bán. 


DiaOcOnline.vn - Theo Dân Việt