Top

NGHỊ ĐỊNH MỚI VỀ CẤP PHÉP XÂY DỰNG:

Đòi thêm thủ tục, dân tốn bộn tiền

Cập nhật 11/09/2012 13:30

Nghị định 64/2012 yêu cầu phải có quy hoạch chi tiết xây dựng mới được cấp phép xây dựng. Nhưng quy hoạch này tại TP chỉ đếm được trên đầu ngón tay!

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 64/2012 về cấp phép xây dựng (CPXD). Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nhiều ý kiến góp ý của các địa phương để thủ tục CPXD không bị “cải lùi” chưa được thể hiện trong nghị định này.

10 năm nữa chưa xong quy hoạch chi tiết


Điển hình là quy định “nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng mới được CPXD”. Theo định nghĩa mới nhất tại Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng chính là quy hoạch 1/500.

Đáng nói ở chỗ, tại TP.HCM thì các khu vực có quy hoạch chi tiết xây dựng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tại buổi góp ý dự thảo nghị định CPXD vào ngày 3-11-2011, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP, từng góp ý: “Tại TP.HCM chỉ có vài ô phố có quy hoạch 1/500, vì lâu nay chủ yếu chỉ có các dự án mới có quy hoạch 1/500 do chủ đầu tư lập. Thậm chí cả TP chỉ xấp xỉ một nửa diện tích được phủ kín quy hoạch 1/2.000 (Luật Quy hoạch gọi là quy hoạch phân khu)”.

Đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú là một trong những nơi hiếm hoi có thiết kế đô thị do quận phê duyệt. Ảnh: HTD

Để giải quyết cho khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, Nghị định 64 cho phép thay thế bằng “quy chế quản lý kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Tính đến nay, cả TP chỉ có vài ô phố có quy chế quản lý kiến trúc đô thị và đường Lũy Bán Bích tại quận Tân Phú là có thiết kế đô thị do quận này phê duyệt. Như vậy, gộp cả hai nơi có quy hoạch 1/500 hoặc có quy chế quản lý, thiết kế đô thị thì chỉ có thiểu số khu vực tại TP đạt được điều kiện để CPXD. Câu hỏi đặt ra: Vậy đại đa số không đáp ứng đủ điều kiện trên sẽ được giải quyết ra sao?

Tại buổi góp ý vừa nêu, không riêng TP.HCM mà nhiều tỉnh, thành cũng bày tỏ sự lo ngại về yêu cầu mà dự thảo đặt ra. Đại diện tỉnh Trà Vinh cho rằng “10 năm nữa cũng chưa phủ kín được quy hoạch 1/500 mà lại phải tốn kém rất nhiều tiền của, công sức”. Khi ấy đại diện Bộ Xây dựng, cơ quan chủ trì soạn thảo giải thích rằng yêu cầu này nhằm thúc đẩy các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, vị này hứa sẽ báo lại những phản ánh của địa phương trước khi trình Chính phủ ký ban hành nghị định. Tiếc thay, Nghị định 64 vẫn giữ nguyên các bất cập trên.

Tốn thêm tiền cho bản vẽ kết cấu


Một góp ý quan trọng mà các quận, huyện của TP.HCM đề nghị bỏ nhưng Nghị định 64 vẫn giữ, đó là thành phần hồ sơ xin phép xây dựng phải có thêm các bản vẽ kết cấu chịu lực chính nhằm quản lý chất lượng công trình. Theo các địa phương (là nơi trực tiếp CPXD nhà ở riêng lẻ), chi phí cho loại bản vẽ này tốn kém gấp 10 lần bản vẽ để CPXD. Không chỉ vấn đề tốn kém, các địa phương cũng cho rằng cơ quan nhà nước không nên can thiệp sâu và cũng không đủ điều kiện về chuyên môn, nhân sự để quản lý chất lượng công trình. Đây phải là trách nhiệm chính của chủ đầu tư.

Một vướng mắc nữa là nhà ở thuộc lộ giới quy hoạch đường, hẻm nhưng chưa thực hiện thì không thuộc trường hợp được cấp phép tạm theo Nghị định 64. Nghị định này chỉ cho phép nhà ở “thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phù hợp với mục đích sử dụng đất” thì mới được cấp phép tạm (quy mô công trình do UBND cấp tỉnh quyết định).

Trong khi đó, hiện UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương nhà ở thuộc phạm vi lộ giới, hẻm giới mà chưa có kế hoạch thực hiện thì được xem xét cấp phép tạm quy mô ba tầng hoặc theo hiện trạng. TP đã giao Sở Xây dựng hoàn chỉnh dự thảo quyết định này. Như vậy, liệu TP có gặp vướng mắc vì về nguyên tắc ban hành văn bản pháp luật, quyết định của TP không thể trái với nghị định của Chính phủ. “Sở phải xin ý kiến lại UBND TP về vấn đề này” - ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay.

Để văn bản quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống, một nguyên tắc quan trọng là phải lấy ý kiến các cơ quan trực tiếp giải quyết vì nơi này sâu sát nhất với thực tế. Dự thảo nghị định CPXD đã được lấy ý kiến rất nhiều lần, các cơ quan liên quan rất nhiệt thành góp ý. Thế nhưng tiếc thay, những bất cập được địa phương phân tích rất kỹ vẫn không được chỉnh sửa khi Nghị định 64 ban hành.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP