Top

Đô thị loại IV đều phải có quy hoạch

Cập nhật 10/01/2011 13:30

Tại Hội nghị tổng kết ngành xây dựng, tổ chức ngày 8/1, tại Hải Dương, nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011 được đặt ra với ngành xây dựng, trong đó có nội dung về công tác quy hoạch.

Theo Thứ trưởng Cao Lại Quang, năm 2010, công tác quy hoạch (QH) cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển, phủ kín trên phạm vi cả nước. Chất lượng các đồ án quy hoạch được nâng cao.

Tất cả các đô thị từ loại IV trở lên đều có QH chung được phê duyệt. Nhờ đó, các đô thị Việt Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.


Khu đô thị mới Mỹ Đình (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Lâm

Trong công tác quản lý thị trường bất động sản (TTBĐS), nhà ở, việc các giao dịch được thực hiện thông qua các sàn giao dịch là bước khởi đầu quan trọng để minh bạch hóa thị trường, góp phần đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đến hết năm 2010 đã đạt 17,5 m2/người. Khối các doanh nghiệp thuộc Bộ đã tiếp cận nhanh với công nghệ xây dựng mới, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng công tác thi công ở các công trình có quy mô lớn, trọng điểm của đất nước.

Tuy đã đạt những kết quả đáng phấn khởi như vậy, nhưng ngành xây dựng vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất, năm 2011, Bộ Xây dựng cần mở chuyên đề tìm giải pháp khắc phục việc các công trình, dự án quốc gia đều bị chậm tiến độ gấp 2 - 3 lần so với kế hoạch.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư, phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Ông Hùng minh chứng, cuộc khảo sát ngành xây dựng vừa qua của Trung Quốc cho thấy: Công trình Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh có quy mô rất lớn, sức chứa 5.000 người nhưng chỉ thi công mất vài tháng.

Trung Quốc đang áp dụng công nghệ xây lắp nhà ở cao 16 tầng chỉ mất có 7 ngày (2 ngày/tầng). “Còn chúng ta, xây dựng hầm chui Kim Liên và cầu vượt Ngã Tư Sở (trên đất liền), mỗi công trình mất gần 5 năm. Trong khi Trung Quốc xây cây cầu vượt biển từ Thượng Hải sang Hồng Công dài 5,7 km chỉ mất 181 ngày!”, ông Hùng nói. Ngoài ra, ông Hùng cũng cảnh báo hiện tượng thua thầu ngay trên sân nhà của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. Khi các DN xây dựng nước ngoài thắng thầu, hầu như không sử dụng thiết bị phụ trợ, vật liệu xây dựng của Việt Nam. Đây là vấn đề mà Bộ Xây dựng cần lưu tâm.

Ông Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận: Nhiều vấn đề trong quản lý, triển khai các nhiệm vụ của ngành chưa đáp ứng yêu cầu. Đơn cử như vai trò quản lý, định hướng TTBĐS của Bộ chưa rõ.

Những biến động của thị trường vẫn ngoài tầm kiểm soát. Giá nhà ở vẫn cao, vượt xa thu nhập của người có nhu cầu và không phù hợp với nền kinh tế. Thị trường nhà ở đang phát triển không cân xứng giữa cung và cầu.

Nhà ở thương mại phát triển ồ ạt nhưng thiếu sức mua trong khi nhà ở thu nhập thấp có nhu cầu cao lại không được đẩy mạnh. Công tác quy hoạch đô thị tuy phủ kín nhưng chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong khớp nối cơ sở hạ tầng. Công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành và đất nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, đề xuất của Tổng hội Xây dựng Việt Nam về tìm giải pháp nâng cao hiệu quả, năng suất ngành, góp phần giảm ICOR, nâng cao hiệu quả đầu tư của nền kinh tế, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu.

Theo Bộ trưởng, năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 – 2020, kế hoạch phát triển 5 năm 2011 – 2015, do đó, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2011 của ngành là thúc đẩy sản xuất phát triển, trên cơ sở cải cách hành chính, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của các DN trong ngành.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản, hệ thống quy chuẩn quản lý ngành. Năm 2011, tập trung việc lập QH vùng tỉnh, lãnh thổ, các chuỗi đô thị dọc các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia.

Phấn đấu hoàn thành cơ bản việc QH xây dựng nông thôn, đồng thời tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện các đồ án QH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với sản xuất kinh doanh, Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu phát triển đồng bộ các dịch vụ cho TTBĐS, tạo môi trường pháp lý an toàn, lành mạnh cho thị trường. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Chú trọng phát triển lực lượng xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành và toàn xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Tin Tức