Ngay sau khi Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ về việc thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư và đặc biệt là người dân rất đồng tình ủng hộ chủ trương này.
Đề xuất “hợp lòng dân”
Bên lề nhiều cuộc hội nghị, hội thảo trong suốt một thời gian dài, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã ấp ủ ý tưởng xây dựng Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn và dư luận xã hội. Việc thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở là rất cần thiết, tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ, giảm sự lệ thuộc nguồn vốn vào các kênh khác.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã chính thức có văn bản đề xuất với Chính phủ cho phép thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở do Nhà nước quản lý. Theo đề xuất này, Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội và mức đóng góp dự kiến 1-2% tổng tiền lương hàng tháng của người lao động. Sau khi hình thành, Quỹ sẽ được mở cho người dân vay tiền mua nhà ở với lãi suất thấp (chỉ bằng 1/4 -1/5 so với lãi suất của các ngân hàng thương mại) kèm những quy định về đối tượng và điều kiện vay. Quỹ cũng sẽ dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, với hơn 9 triệu người lao động đang hưởng lương hiện nay, chỉ cần góp 1% số lương mỗi tháng, hàng năm, quỹ sẽ có không dưới 10,000 tỷ đồng, góp phần đáng kể để cải thiện chỗ ở cho người dân.
“Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ giải quyết được vấn đề vốn dài hạn trên cơ sở lấy số đông giúp số ít và xã hội hóa công tác phát triển nhà ở, thu hút mọi đối tượng tham gia hỗ trợ người lao động có điều kiện mua nhà. Thậm chí, sau một thời gian nhất định người tham gia đóng quỹ có thể được vay lại với lãi suất thấp để phục vụ mục đích của mình”, ông Nam cho biết.
Thông tin này ngay lập tức nhận được sự đồng tình ủng hộ của xã hội, đặc biệt là những người có thu nhập thấp chưa có nhà ở.
Đồng thuận lập quỹ
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lê Huỳnh Cương Nghị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển căn hộ Nam Long cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam cần thiết lập Quỹ Tiết kiệm phát triển nhà của Nhà nước nhằm tham gia điều chỉnh quan hệ cung cầu trên thị trường bất động sản trong những năm tới. Từ đó tạo điều kiện tài trợ người mua nhà thực sự, bổ sung tính thanh khoản cho thị trường, hỗ trợ bảo lãnh cho chủ đầu tư có điều kiện phát triển thêm nhiều dự án. Ngoài quỹ này, các cơ quan quản lý cũng cần tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập Quỹ Tín thác phát triển bất động sản với mục tiêu khai thông, tận dụng các nguồn lực phát triển cho thị trường.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ rất hữu ích cho cả bên cung và bên cầu trong kinh doanh bất động sản. Đã có nhiều nước như Singapore, Trung Quốc triển khai rất tốt mô hình này với tên gọi là Quỹ Công ích.
Theo ông Liêm, quỹ này đã được đề cập trong Nghị định 71/2010/NĐ-CP. Cụ thể, quỹ huy động tiền tiết kiệm hàng tháng của những người cần nhà ở cộng với một phần tiền thu được từ đầu tư đất đai đô thị và thị trường bất động sản. Quỹ này dành cho người thu nhập thấp vay để mua nhà và thế chấp bằng chính nhà sắp mua rồi trả dần hàng tháng trong nhiều năm.
Tại hội thảo quốc tế về thị trường bất động sản tổ chức gần đây, những kinh nghiệm quý báu của Singapore về quản lý, vận hành hiệu quả các quỹ phát triển bất động sản đã được lãnh đạo các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm. Từ những kinh nghiệm xây dựng nhà ở xã hội trên thế giới, TS. Nguyễn Thị Mỹ Linh, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, cần thiết phải xây dựng hệ thống tài chính nhà ở như Quỹ Tiết kiệm nhà ở để tạo điều kiện cho đông đảo người dân có cơ hội tạo lập nhà ở cho mình.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: