Top

Đất nông nghiệp giảm nhanh: Lỗi của quy hoạch

Cập nhật 15/09/2010 14:30

Theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp - phát triển nông thôn TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, quỹ đất nông nghiệp được duy trì và bảo vệ đến năm 2020 là 82.600ha, đến năm 2025 là 80.500ha. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể không đạt được do quá trình đô thị hóa với tốc độ chóng mặt hiện nay.


Đất nông nghiệp bị bỏ hoang tại huyện Bình Chánh.

Quản lý lỏng

Tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. HCM về tình hình quy hoạch và sử dụng đất mới đây, Sở TN&MT cho biết, trong vòng 15 năm qua, diện tích đất nông nghiệp đã giảm khoảng 18.000ha. Trong 5 năm (2004-2008), giảm 2.200ha, hiện còn khoảng 120.000ha. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, mỗi năm diện tích đất nông nghiệp của TP. HCM giảm đến 1.400ha. Diện tích giảm năm sau nhiều hơn năm trước, đặc biệt tại các quận, huyện ngoại thành như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, 12...

Theo các đại biểu HĐND, sở dĩ con số giữa Sở TN&MT và Sở NN&PTNT khập khiễng là do quản lý không chặt chẽ. Nhiều khu vực được thể hiện trên hồ sơ của Sở TN&MT là đất nông nghiệp, nhưng trên thực tế là những dãy nhà san sát! Tại quận Bình Tân, hồ sơ giấy tờ thể hiện quận này còn 1.000ha đất nông nghiệp, nhưng sự thật chỉ còn vài trăm héc ta. Tại Củ Chi, Bình Chánh, có những khu vực được báo cáo là đất nông nghiệp thì thực tế khảo sát chỉ có tường nhà hoặc đã phân lô bán nền…

Nguyên nhân đất nông nghiệp giảm nhanh là do trong quá trình đô thị hóa, dân số tăng nhanh, trong khi quy hoạch đất, quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm chặt chẽ để quản lý. Lấn chiếm xây dựng tràn lan, sai phép khá phổ biến. Từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-5-2009, huyện Bình Chánh đã có hơn 1.000 căn nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp. Tình trạng đất bị bỏ hoang do quy hoạch "treo" cũng là một hiện trạng phổ biến. Chỉ tính riêng ba huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh đã có trên 3.000ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Đất quy hoạch làm sân golf cũng chiếm diện tích khá lớn với hơn 1.400ha đất nông nghiệp, nhưng hàng chục năm nay chủ đầu tư chưa thực hiện dự án. Bên cạnh đó là ô nhiễm về môi trường khiến dân phải bỏ đất…

Quy hoạch không hợp lý


Phó GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho rằng, tình trạng trên do lỗi của các nhà quản lý và quy hoạch. Năm 1998, khi quy hoạch, các nhà quản lý và quy hoạch đã không để ý đến điều kiện tự nhiên, coi thành phố là một miếng giấy phẳng lỳ, xem Củ Chi cũng như… Cần Giờ, muốn vẽ chỗ nào thì vẽ chứ không xem xét chỗ nào ngập nước, chỗ nào lún, chỗ nào cong vênh! Chính vì những suy nghĩ duy ý chí này, mà trong bản vẽ quy hoạch chỗ nào cũng có thể là nhà, cũng có thể là khu công nghiệp, là cây xanh.

Ông Nguyễn Trọng Hòa kể, năm 2004, khi Nhật Bản làm quy hoạch cho thành phố (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010), sau khi nghiên cứu quy hoạch năm 1998, họ kết luận là người dân làm quy hoạch tốt hơn các nhà quản lý! Bởi, chỗ vẽ quy hoạch làm nhà thì người dân không làm, chỗ vẽ cây xanh thì dân lại dựng nhà! Đơn giản, vì các nhà quy hoạch đã quy hoạch nhà cửa ở nơi ngập lụt hoặc phải làm đến mấy cây cầu mới có đường đi lại; trong khi đó, chỗ khô ráo chỉ cần xây cột lên là có nhà thì lại quy hoạch để xây công viên.

Chính vì sự bất hợp lý và chậm chạp trong quy hoạch mà từ năm 1999 đến nay, TP. HCM đã phải hợp thức hóa các nhà xây sai phép. Năm 1999, trong đợt tổng kiểm kê nhà ở, thành phố đã phải cho phép hợp thức hóa các nhà xây dựng trước thời điểm này. Ngày 1-7-2004 (Luật Xây dựng có hiệu lực) các nhà xây trái phép nhưng phù hợp quy hoạch trước thời điểm này được hợp thức. Tuy nhiên, do nhu cầu ở của người dân quá lớn và quy hoạch của thành phố không khoa học nên vẫn xảy ra tình trạng xây nhà không phép tràn lan. Vì vậy mà hơn 11.000 căn nhà xây không phép giai đoạn sau ngày 1-7-2004 đến ngày 1-5-2009 đang được xem xét, nếu phù hợp quy hoạch sẽ tiếp tục được hợp thức hóa.

Để hạn chế tình trạng đất nông nghiệp ngày càng mất đi, TP. HCM cũng đã ban hành và thực hiện nhiều biện pháp như kiểm tra, rà soát các dự án "treo"; kiểm tra các đơn vị sản xuất gây ô nhiễm khiến nông dân phải bỏ đất, ngăn chặn nạn bán đất nông nghiệp bừa bãi… Tuy nhiên, tất cả đều không đủ nếu quy hoạch của thành phố không khoa học, không phù hợp.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới