Nghiêm cấm sang nhượng chung cư xã hội trái phép trên địa bàn TP Đà Nẵng, là phù hợp với quy định của pháp luật và là giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm, bố trí căn hộ đúng người, đúng đối tượng.
>>> Vì sao Đà Nẵng cấm chuyển nhượng chung cư?
Ngày 23/2, UBND TP Đà Nẵng có buổi làm việc Sở xây dựng, Cty quản lý chung cư TP Đà Nẵng về báo cáo quy chế quản lý nhà chung cư. Theo quy định tại Nghị quyết 23 của HĐND TP.Đà Nẵng (tháng 12/2011), từ năm 2012 nghiêm cấm việc chuyển nhượng chung cư cho người khác, nếu vi phạm sẽ bị cưỡng chế thu hồ. Đồng thời, yêu cầu ngành chức năng tăng cường quản lý nhà chung cư đối với những hộ thuộc diện giải tỏa không đủ tiêu chuẩn bố trí đất tái định cư được thành phố bố trí chung cư thì không phải trả tiền thuê nhà; đối với những hộ thuộc diện giải tỏa trước đây được bố trí chung cư nếu đã sang nhượng thì người được sang nhượng phải ký hợp đồng thuê chung cư trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước về chung cư…
Lãnh đạo TP Đà Nẵng giao Cty quản lý chung cư, Sở Xây dựng nghiên cứu soạn thảo quy chế quản lý nhà chung cư. Theo ông Nguyễn Quang Thuận, Giám đốc Cty quản lý chung cư TP Đà Nẵng: Thời hạn thành phố giao đến cuối tháng 3 sẽ hoàn thiện quy chế quản lý nhà chung cư này. Các trường hợp sang nhượng trái phép sẽ bị xử lý nghiêm, cả người bán và người mua với các hình thức cụ thể.
Theo lý giải của Đà Nẵng, việc nghiêm cấm sang nhượng căn hộ chung cư thuê của nhà nước là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Ảnh: Xuân Tuyết
|
Trước đó, Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) có công văn yêu cầu Sơ Tư pháp TP Đà Nẵng nêu quan điểm trong quá trình thẩm định dự thảo và tự kiểm tra đối với nội dung quy định trên của Nghị quyết 23 (HĐND TP Đà Nẵng). Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp cho hay: Trước hết cần khẳng định nhà “chung cư” được ghi trong Nghị quyết này là nhà trong “Chương trình có nhà ở” của thành phố. Đây là nhà thuộc sở hữu nhà nước, được chính quyền thành phố giao cho cơ quan quản lý nhà nước về chung cư trực tiếp quản lý, thuộc quỹ nhà ở dành cho các đối tượng chính sách.
Bao gồm: cán bộ, công chức, người lao động, đối tượng được bố trí tạm ở nhà chung cư trong khi chờ nhận đất tái định cư, những hộ giải tỏa đền bù nhưng không đủ tiêu chuẩn bố trí đất tái định cư theo quy định của pháp luật, những hộ thuộc diện gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… nhưng không có nhà ở thì được chính quyền thành phố giải quyết cho thuê nhà để ở với giá ưu đãi hoặc không thu tiền thuê nhà.
Cũng theo vị giám đốc Sở Tư pháp này: Thực tế những năm qua, trong quá trình thực hiện chính sách giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư, chỉnh trang đô thị, chính quyền thành phố đã giải quyết hàng ngàn căn hộ chung cư cho các đối tượng như đã nêu trên. Tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng người được thuê nhà chung cư sang nhượng trái phép cho người khác để lấy tiền, một số trường hợp trở lại tình trạng không có nhà ở. Trước tình hình trên, từ năm 2009, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố, tuy nhiên tình hình vẫn chưa được cải thiện mà đang có xu hướng diễn biến phức tạp.
Theo thống kê Cty quản lý chung cư TP Đà Nẵng: tính đến nay đơn vị quản lý gần 6.500 căn hộ tại 32 khu chung cư với 120 đơn nguyên (lốc nhà) và 4 khu nhà liên kề tập trung tại các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê… Tuy nhiên các đợt thanh kiểm tra của Cty và Sở Xây dựng thành phố tiến hành trước năm 2012 phát hiện hơn 1.500 trường hợp được cấp nhà chung cư xã hội đã sang nhượng và cho thuê, tại các khu chung cư Phường Thanh Lộc Đán (quận Thanh Khê), Thuận Phước (Hải Châu), chung cư xã Hòa Minh (huyện Hòa Vang)
Ông Sơn viện dẫn: Theo quy định tại Điều 91, Điều 92 Luật Nhà ở thì điều kiện để nhà ở tham gia giao dịch (mua bán, tặng cho…) phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và các bên tham gia giao dịch về nhà ở phải là chủ sở hữu nhà ở hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật về dân sự; Khoản 5, Điều 40 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP quy định: “Người thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì chỉ được phép bán, cho thuê nhà ở đó sau khi đã trả hết tiền cho chủ đầu tư và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở nhưng phải đảm bảo thời gian tối thiểu là 10 năm, kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội”.
“Như thế các trường hợp sang nhượng trái phép khi đang thuê của nhà nước là vi phạm các quy định của pháp luật và việc Đà Nẵng nghiêm cấm việc sang nhượng này là là phù hợp với quy định của pháp luật” – ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn: không phải tất cả các chung cư và căn hộ chung cư xã hội trên địa bàn đều thuộc diện nghiêm cấm sang nhượng. Cần phân biệt những căn hộ chung cư thuôc quyền sở hữu nhà nước và đang thuê của nhà nước với các căn hộ đã được hóa giá, bán cho người dân. Với trường hợp các đối tượng chính sách đã mua và có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì vẫn mua bán, sang nhượng theo quy định của pháp luật.
DiaOcOnline.vn - Theo Bee.net
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: