Top

Phát triển đô thị Đà Nẵng:

Đảm bảo tính bền vững

Cập nhật 31/03/2011 16:10

Cơ sở hạ tầng được coi là hệ thống xương sống của một đô thị thì hệ thống thủy văn được coi là một trong những vấn đề quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Để xây dựng một TP Đà Nẵng hiện đại và bền vững thì việc xây dựng hệ thống thủy văn, thủy lực tại các vùng hạ lưu của TP là cần thiết.


Kiên cố hóa bờ kè sông Phú Lộc đảm bảo thoát lũ nhanh tại Q.Thanh Khê - TP Đà Nẵng.

Đà Nẵng là một TP có biển, có núi và có cả hệ thống sông ngòi với một số con sông lớn như: Sông Hàn, sông Cu Đê, sông Túy Loan… Trong khi đó Đà Nẵng lại nằm ở khu vực miền Trung nên hàng năm ảnh hưởng rất nhiều về lũ lụt và bão cũng như việc xâm nhập nước mặn vào hệ thống sông ngòi nơi đây. Dự án xây dựng mô hình thủy văn và mô phỏng sự phát triển đô thị Đà Nẵng được UBND TP phê duyệt và giao cho Sở Xây dựng Đà Nẵng là cơ quan chủ quản dự án, tiếp nhận và thực hiện dự án, phạm vi nghiên cứu dự án là toàn bộ TP Đà Nẵng.

Dự án do Quỹ Rockefeller tài trợ, là dự án nằm trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ của chương trình ACCCRN giai đoạn 3, được ký kết giữa UBND TP Đà Nẵng với Viện nghiên cứu chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET). Tổng kinh phí thực hiện dự án là 224,884 USD, thời gian thực hiện 18 tháng.

Mục đích của dự án là giải quyết bài toán tổ hợp về lũ lụt, ngập úng và thủy triều với mục tiêu cuối cùng là xây dựng các bản đồ ngập lụt ứng với các kịch bản tần xuất khác nhau có xét đến quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Đồng thời dự báo lũ lụt và tiêu thoát lũ, chống ngập lụt gây úng cho TP Đà Nẵng. Xem xét đến các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu, lũ lụt trong quá trình đô thị hóa, từ đó có các giải pháp thích ứng với điều kiện khí hậu, lũ lụt trong tương lai để quy hoạch xây dựng phát triển đô thị bền vững.

Với nhiệm vụ được giao, ngày 30/3, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo khởi động dự án xây dựng mô hình thủy văn và mô phỏng sự phát triển đô thị TP Đà Nẵng. Với sự tham gia góp ý, thảo luận của các chuyên gia tư vấn, các nhà khoa học, các Viện quy hoạch và đô thị nhằm đưa ra những ý kiến đóng góp để dự án thực thi đạt chất lượng.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Thế Hùng - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đơn vị tư vấn và là đơn vị đã xây dựng phần mềm chuyên dụng 211 về mô hình thủy văn trong phát triển đô thị Đà Nẵng đã giới thiệu đề cương sơ bộ về lập mô hình thủy văn trên cơ sở phân tích xu thế thay đổi của các yếu tố khí hậu trong quá khứ, các thời điểm cự trị về lũ, hạn hán, xem xét các tác động của biến đổi khí hậu. Phân tích đánh giá các tác động của ngập lụt và nhiễm mặn đối với quá trình phát triển đô thị.

Ông Tô Quang Toán - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đơn vị đã xây dựng bản đồ ngập lụt tại Đà Nẵng trước đây đã có báo cáo những vấn đề liên quan đến các vấn đề về lượng mưa, mức độ ngập lụt, tình trạng nước biển dâng tại Đà Nẵng. Theo ông Toán, tình hình thời tiết khí hậu hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp, tại Đà Nẵng lượng mưa sẽ tăng 10% dẫn đến lượng mưa vào mùa khô ngày càng giảm, lượng mưa vào mùa mưa ngày càng tăng nên hạn hán và lũ lụt ngày càng nhiều. Trong đó Đà Nẵng là một TP biển trong tương lai thì mức nước biển dâng của Đà Nẵng sẽ tăng từ 65 - 100cm.

Theo ông Lê Tùng Lâm - Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng thì mục đích của hội thảo lần này là trình bày với các cơ quan hữu quan về sự cần thiết phải đánh giá tác động của lũ lụt đến quá trình đô thị hóa của TP Đà Nẵng. Thông qua hội thảo Sở Xây dựng tiếp nhận ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tư vấn, các chuyên gia trong lĩnh vực thủy văn và môi trường về phương pháp luận, lý thuyết cơ sở và phương thức xây dựng mô hình thủy văn cho đô thị Đà Nẵng. Để từ đó xây dựng một mô hình thủy văn phù hợp cho Đà Nẵng trong việc quy hoạch và phát triển đô thị thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của khí hậu đảm bảo tính ổn định và bền vững lâu dài trong tương lai của đô thị Đà Nẵng.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng