Top

Đà Nẵng: Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Cập nhật 13/12/2018 13:47

Đà Nẵng vừa phê duyệt quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để xây dựng thành một trung tâm dịch vụ hậu cần trọng điểm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cửa chính ra biển của hành lang kinh tế Đông – Tây.

Đà Nẵng hướng đến một trung tâm dịch vụ hậu cần trọng điểm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo đó, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020, các trung tâm logistics tại địa bàn thành phố đáp ứng được khoảng 25% về lượng xử lý logistics cho luồng hàng hóa qua cảng biển, đến năm 2025 là 30%, đến năm 2030 là 35%; đến năm 2045 là 55%.

Đối với luồng hàng hóa qua cảng hàng không tương ứng là 10%, 15%, 20% và 40%. Đối với luồng hàng hóa đường sắt: Năm 2030 là 20% và 2045 là 40%. Phát triển các trung tâm logistics đô thị đáp ứng nhu cầu thu mua, phân phối bán buôn các loại hàng hóa tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày của người dân thành phố và khu vực lân cận.

Đồng thời đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ giữa cảng biển, cảng hàng không với các đầu mối vận tải hàng hóa, với các trung tâm logistics các loại một cách thông suốt, tạo điều kiện cho luồng hàng hóa trên các tuyến vận tải đa phương thức dịch chuyển được dễ dàng, nhanh chóng với một mức chi phí vận tải và chi phí dịch vụ logistics cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn TP Đà Nẵng là 13.695 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển các trung tâm logistics do UBND thành phố kêu gọi đầu tư, nguồn vốn đầu tư cải thiện kết nối giao thông đường bộ, nút giao thông thuộc địa phương quản lý do UBND thành phố đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương; nguồn vốn đầu tư đường sắt kết nối từ cảng Liên Chiểu đến ga hàng hóa Kim Liên mới do Trung ương đầu tư; các tuyến đường bộ thuộc Trung ương ương quản lý cũng do Trung ương đầu tư. Tổng nhu cầu quỹ đất để thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng ngành logistics TP Đà Nẵng đến năm 2045 ước khoảng 312ha.

UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải triển khai công bố quy hoạch nhằm cung cấp thông tin đến các cơ quan đơn vị có liên quan, các nhà đầu tư và doanh nghiệp logistics; đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, UBND các quận, huyện và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch; theo dõi, kiểm tra tổng thể và báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch cơ sở hạ tầng logistics trên địa bàn thành phố; kịp thời đề xuất UBND thành phố các giải pháp về điều hành thực hiện quy hoạch bảo đảm yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng logistics trong mối quan hệ tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì triển khai các giải pháp phát triển ngành Dịch vụ logistics thành phố; tiếp tục triển khai phát triển hệ thống kho bãi và các trung tâm logistics nhỏ lẽ tại các cảng, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các trung tâm của quận huyện đạt công suất từng giai đoạn; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải công bố quy hoạch và là cơ quan đầu mối tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của các doanh nghiệp logistics trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

UBND thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố quy hoạch, cập nhật quy hoạch sử dụng đất, tổ chức đấu giá đất theo thẩm quyền cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tham gia đầu tư xây dựng các trung tâm logistics.

Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các trung tâm logistics triển khai thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường trong quá trình lập dự án, đầu tư xây dựng và khai thác; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp/nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn vướng mắc và giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính liên quan đến giải phóng mặt bằng, thuê đất, sử dụng đất của các dự án đầu tư phát triển hạ tầng logistic đảm bảo tiến độ, quy định.

Đồng thời giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải trong việc triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ logistics; kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ngành Dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp/nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn vướng mắc và giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch các dự án đầu tư phát triển hạ tầng logistic đảm bảo tiến độ, quy định.

DiaOcOnline.vn - Theo Xây Dựng