Top

Công trình thương mại phải có khoảng lùi lớn để tránh kẹt xe

Cập nhật 28/06/2012 08:50

Các công trình xây dựng mang tính thương mại trên trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài phải có khoảng lùi lớn để không ảnh hưởng đến giao thông, đồng thời việc xây dựng nhà phố tiếp cận trực tiếp với trục đường cũng bị hạn chế.

Để tránh tình trạng kiến trúc nham nhở như hiện trạng dọc đại lộ Đông - Tây, quy hoạch công trình xây dựng dọc các tuyến đường mới được quản lý chặt chẽ hơn. Trong ảnh là nhà siêu mỏng trên đại lộ Đông - Tây - Ảnh: TL.

Đây là nội dung chính của quyết định về nhiệm vụ thiết kế đô thị tỷ lệ 1/2000 và quy định quản l‎ý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài vừa được UBND TPHCM phê duyệt.

Theo Quyết định số 3258/QĐ-UBND, tuyến đường này sẽ được nghiên cứu việc đầu tư hệ thống xe buýt nhanh (BRT). Đồng thời, các ngành chức năng cũng nghiên cứu việc xây dựng các cầu vượt dành cho người đi bộ.

Ngoài công trình thương mại, các công trình công cộng, dịch vụ cần có khoảng lùi lớn để không ảnh hưởng đến giao thông. Lối vào công trình và bãi đậu xe phải bố trí ở sau hoặc kế bên công trình. Về kiến trúc đô thị, theo quyết định được duyệt, thành phố hướng tới việc xây dựng nhà liên kế thấp tầng, kiến trúc hài hòa, đồng bộ.

Việc TPHCM kiểm soát tình hình xây dựng (sau giải tỏa) bằng cách lập các thiết kế đô thị đối với những tuyến đường đang xây dựng như Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, xa lộ Hà Nội mở rộng... nhằm tránh tình trạng kiến trúc công trình chắp vá, nham nhở như hiện trạng dọc đại lộ Võ Văn Kiệt (đại lộ Đông - Tây truớc đây) và một số tuyến đường khác.

Hiện nay, tiến độ thi công dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài mới đạt 54%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, 4,4 km đầu tiên (đoạn từ đường Nguyễn Thái Sơn đến cầu Bình Triệu) sẽ được thông xe.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết hiện nay mới chỉ có quận Bình Thạnh là đã bàn giao xong mặt bằng cho nhà thầu. Trên toàn tuyến vẫn còn 135 hộ dân chưa di dời, trong đó quận Thủ Đức còn 34 hộ, quận Gò Vấp 65 hộ, quận Tân Bình 36 hộ. Theo cam kết với UBND TPHCM, 3 quận nói trên sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu vào tháng 8-2012. Đoạn còn lại từ nút giao Bình Triệu đến cuối tuyến (nút giao Linh Xuân, quận Thủ Đức), do nền đất yếu, túi bùn sâu nên cần nhiều thời gian xử lý, đoạn này dự kiến sẽ thông xe vào cuối năm 2013.

Dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài có tổng chiều dài 13,7 km đi qua 4 quận là Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với số hộ dân phải giải tỏa là 3.900 hộ. Điểm đầu của dự án từ nút giao thông Trường Sơn (gần sân bay Tân Sơn Nhất) đi qua ngã năm Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp rồi vượt sông Sài Gòn và kết thúc tại nút giao Linh Xuân, quận Thủ Đức.

Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch của TPHCM, sau khi hoàn thành sẽ kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh xung quanh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai.

UBND TPHCM vừa có tờ trình HĐND thành phố xem xét đặt tên đường mang tên 3 vị cố lãnh đạo cấp cao.

Cụ thể, đề xuất đặt tên đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.

Cố đại tướng Mai Chí Thọ (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ - nay là Bộ Công an; nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM) được đề xuất đặt tên cho phần còn lại của đại lộ Đông - Tây (từ hầm Thủ Thiêm đến nút giao với tỉnh lộ 25B) phía quận 2.

Người thứ 3 là cố giáo sư, nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động Trần Văn Giàu (nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ) được đề xuất đặt tên cho tỉnh lộ 10 và 10B.



DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG