Top

Có nên nới 'trần' cho người nước ngoài mua nhà ?

Cập nhật 14/08/2020 11:50

Có nên nới “room” (tỷ lệ) cho người nước ngoài mua nhà và cho họ đầu tư căn hộ du lịch tại VN hay không đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Trong 5 năm, số lượng căn nhà người nước ngoài mua tại VN chiếm chưa tới 2% tổng số nhà ở - ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo quy định hiện hành, người nước ngoài được sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư.

Giữ “room” để bảo vệ ưu thế cho người Việt ?

Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số chính sách liên quan đến vấn đề “Nên hay không nên nới “trần” sở hữu nhà trong dự án nhà ở thương mại cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và việc mua căn hộ du lịch (condotel)”. Động thái này được thực hiện trong bối cảnh Hội Môi giới BĐS Việt Nam trước đó đã gửi lên Thủ tướng văn bản kiến nghị nới room được mua nhà tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, trước phản ánh của Hội Môi giới BĐS Việt Nam về tình trạng nhu cầu mua BĐS của người nước ngoài tại Việt Nam rất lớn nhưng bị cản trở bởi luật Nhà ở năm 2014 (tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư), dẫn đến hạn chế một phần nguồn lực đổ vào BĐS, đặc biệt là phân khúc cao cấp, HoREA đã thực hiện một cuộc khảo sát thống kê sơ bộ về tình hình bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong 5 năm qua (2015 - 2020) của 17 tập đoàn, doanh nghiệp (DN) BĐS lớn. Kết quả, nếu giả định 17 tập đoàn và DN được khảo sát chiếm khoảng 70 - 80% thị phần nhà ở bán cho các cá nhân nước ngoài, thì có thể ước số lượng căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua trên phạm vi cả nước chỉ vào khoảng 14.800 - 16.000 căn.

Số lượng 16.000 căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua chỉ chiếm tỷ lệ dưới 2% tổng số nhà ở phát triển cùng giai đoạn.

Đáng chú ý, trong 5 tập đoàn hàng đầu được nhiều người nước ngoài lựa chọn mua nhà, với 10.571 căn, chiếm 85,7% tổng số nhà đã bán cho người nước ngoài, không có dự án của DN nào đụng “trần” 30% theo quy định. Số ít các dự án đã đạt “trần” thì người nước ngoài chuyển sang ký “Hợp đồng thuê mua nhà (leasing)” dài hạn 50 năm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khẳng định qua những số liệu trên có thể thấy thực tế không có “làn sóng” người nước ngoài mua nhà tại nước ta trong 5 năm qua. Nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam ít, không nhiều đến nỗi phải áp lực nới room. Mặt khác, với số ít dự án có tỷ lệ sở hữu đụng “trần”, người nước ngoài sẽ chọn 1 trong 2 phương án thuê trả tiền ngắn hạn hoặc thuê mua nhà dài hạn 50 năm. Điều này sẽ hỗ trợ rất tốt cho hoạt động đầu tư của chủ căn hộ người Việt cũng như cho chủ đầu tư dự án.

"Giữ room 30% vừa không ảnh hưởng mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), xuất khẩu tại chỗ, vừa đảm bảo giữ ưu thế cho người Việt trong phân khúc BĐS này"

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA


“Hiện nay, có một số nước đang điều chỉnh chính sách cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà theo hướng thắt chặt hơn, để chống tình trạng đầu cơ như Hàn Quốc; hoặc tình trạng người nước ngoài mua quá nhiều nhà, dẫn đến giá nhà tăng cao, làm cho người bản địa có thu nhập trung bình và có thu nhập thấp khó tạo lập nhà như tình trạng ở Úc. Cần lưu ý nhu cầu nhà ở và nhu cầu sở hữu nhà ở là khác nhau. Rất nhiều người nước ngoài có nhu cầu ở Việt Nam nhưng đa phần sẽ chọn thuê nhà vì với quy định người nước ngoài ở Việt Nam quá 180 ngày/năm phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo luật của Việt Nam, họ sẽ không mua sắm tài sản cố định để rồi bỏ phí cả nửa năm không sử dụng”, ông Châu nhấn mạnh và nói thêm: “Giữ room 30% vừa không ảnh hưởng mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), xuất khẩu tại chỗ, vừa đảm bảo giữ ưu thế cho người Việt trong phân khúc BĐS này”.

"Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh; nếu thu hút thêm được nguồn vốn ngoại thì đây sẽ là động lực mạnh để phát triển thị trường BĐS nói riêng cũng như toàn ngành kinh tế nói chung"

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển


Họ hùn tiền cùng ta phát triển du lịch, tội gì cấm cản ?

Cũng trong văn bản gửi Thủ tướng, HoREA đề nghị chưa cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch. Người nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ condotel, thì thực hiện theo phương thức đầu tư tài chính theo quy định của luật Đầu tư. Nguyên nhân, đơn vị này cho rằng cần lưu ý cảnh báo của Bộ Quốc phòng về tình trạng một số người nước ngoài “mua chui” BĐS, kể cả dùng thủ đoạn “nhờ” DN hoặc cá nhân người Việt đứng tên mua nhà tại một số địa điểm “nhạy cảm”, có ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh.

Đáng nói là mới đây, Bộ Xây dựng vừa đề xuất việc sửa đổi, bổ sung luật Nhà ở, luật Kinh doanh BĐS năm 2014 theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các BĐS du lịch tại Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, cá nhân sở hữu BĐS nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch thực chất là sở hữu bị động theo một dạng góp vốn xây dựng. Họ mua căn hộ rồi gửi lại cho chủ đầu tư quản lý, một năm chỉ hưởng chế độ sử dụng trong số lần giới hạn và thu lợi nhuận theo phần trăm thỏa thuận giữa các bên. Do đó, quyền lợi của người nước ngoài sở hữu BĐS du lịch còn thu hẹp hơn rất nhiều so với sở hữu căn hộ, BĐS nhà ở. Mặt khác, mỗi dự án BĐS nghỉ dưỡng từ khâu cấp phép đến khâu xây dựng, quản lý đều phải thông qua sự đồng ý của tất cả cơ quan chức năng, được nhà nước cho phép nên không cần lo yếu tố nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn quốc gia.

Theo ông Hiển, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh; nếu thu hút thêm được nguồn vốn ngoại thì đây sẽ là động lực mạnh để phát triển thị trường BĐS nói riêng cũng như toàn ngành kinh tế nói chung.

“Nước Mỹ trong giai đoạn kinh tế suy thoái cũng mở cửa cho mọi công dân trên toàn thế giới tham gia mua BĐS nhằm góp phần vực dậy thị trường, góp phần vượt qua khủng hoảng kinh tế. Tiềm năng du lịch biển của Việt Nam rất lớn. Chúng ta có trên 1.000 km đường biển có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng theo hướng cao cấp nhưng hệ thống cơ sở lưu trú hiện đại ít. Dư địa thị trường du lịch nghỉ dưỡng, resort biển cao cấp còn rất nhiều khoảng trống và thu hút vốn đầu tư nước ngoài là điều nên làm. Họ hùn tiền cùng ta xây dựng hạ tầng du lịch hoàn thiện, cao cấp, đóng thuế cho nhà nước, đưa người thân sang du lịch, chi tiêu tại Việt Nam thì tội gì chúng ta lại cấm cản? Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nếu tận dụng thu hút được nguồn lực này sẽ tạo nên cú hích lớn cho thị trường”, ông Hiển nhận định.

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên