Top

Chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành từ quý 2/2020

Cập nhật 30/10/2019 15:00

Đó là yêu cầu của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai tại buổi làm việc với các sở, ngành và UBND huyện Long Thành về tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành).



Theo đó, đầu quý 3/2020, các hộ dân thuộc diện giải tỏa trong dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ bắt đầu nhận đất tái định cư để xây dựng nhà cửa. Do đó, việc chi trả tiền bồi thường phải thực hiện xong trong quý 2/2020.

Để đạt được tiến độ này, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Long Thành phải lập danh sách nội dung công việc để thực hiện đảm bảo đến cuối năm 2020 phải hoàn thành công tác GPMB đối với toàn bộ dự án. Đối với diện tích đất của các tổ chức đã hoàn thành kiểm đếm phải hoàn thành chuyển tiền bồi thường trong năm 2019.

Theo UBND huyện Long Thành, giai đoạn 1 của dự án Sân bay Long Thành có diện tích cần GPMB là hơn 1,8 ngàn ha (bao gồm khu vực 645 ha diện tích tăng thêm), trong đó có 630 ha đất của hộ gia đinh, cá nhân.

Đến nay đã có 905 trường hợp với diện tích gần 570 ha đã xác định được chủ sử dụng, còn 265 trường hợp và 1.541 thửa đất với diện tích hơn 160 hécta chưa xác định được chủ sử dụng đất. Đối với các trường hợp này, UBND huyện Long Thành đã đăng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Còn theo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai, các quy trình vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và thẩm quyền thuộc đơn vị nào thì đơn vị đó thực hiện.

Cụ thể, phần thu hồi đất của tổ chức do Sở Tài nguyên - môi trường thực hiện, phần thu hồi đất cá nhân và hộ gia đình do UBND huyện Long Thành triển khai, liên quan đến xây dựng thì do Sở Xây dựng chủ trì. Sở này cũng khẳng định, Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn sẽ kịp bàn giao đất cho người dân xây nhà. Đối với các cơ sở tôn giáo, UBND tỉnh cũng đã cam kết tạo điều kiện tối đa về mặt thủ tục hành chính cũng như bàn giao trước địa điểm mặt bằng cho 3 cơ sở tôn giáo để xây dựng sớm, vấn đề này cũng được các chủ cơ sở tôn giáo ủng hộ.

Từ nay đến cuối năm 2019 sẽ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Đến hết quý 1/2020, hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cơ bản hoàn thành, khi đó sẽ bàn giao cho người dân để vào nhận đất xây dựng nhà.

Song song với việc bàn giao đất cho các hộ dân xây dựng nhà, các nhà thầu sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các công trình xã hội như: UBND xã, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… để kịp thời phục vụ ngay khi người dân đến khu tái định cư sinh sống. Riêng với Phân khu 3 - Khu tái định cư Bình Sơn, sẽ bàn giao mặt bằng cho người dân trễ hơn một chút, do khu vực này bố trí cho các hộ dân không nằm trong vùng ưu tiên bàn giao mặt bằng cho dự án sân bay nên không ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Để đảm bảo việc di dời người dân kịp theo tiến độ bàn giao mặt bằng, lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Long Thành tích cực rút ngắn hơn nữa thời gian bồi thường cho dân. Đặc biệt là công tác chi trả bồi thường phải được thực hiện sớm để các hộ dân có tiền xây dựng nhà ở mới.

Theo Tờ trình về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, tổng mức đầu tư dự kiến 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD. Như vậy, tổng mức đầu tư dự án thấp hơn tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 là 4,782 tỷ USD. Đây là dự án có tổng mức đầu tư, quy mô lớn, Hội đồng Thẩm định nhà nước sẽ có ý kiến thẩm định cụ thể sau khi có kết quả thẩm tra cuối cùng của Tư vấn thẩm tra trong bước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án.

Về kiến nghị điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị đưa diện tích đất thu hồi để thực hiện 2 tuyến giao thông kết nối vào giai đoạn 1 của dự án; kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy từ vốn đầu tư của dự án. UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khung chính sách được Chính phủ phê duyệt khi thực hiện Nghị quyết 53.

DiaOcOnline.vn – Theo Nhịp sống kinh tế