Liên tiếp 2 tháng qua, cứ vào các chiều Chủ nhật là cầu Rạch Miễu (nối Tiền Giang - Bến Tre) đều bị kẹt xe. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra kể từ khi cầu này được khánh thành.
Khu vực Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu bị kẹt xe vào chiều cuối tuần giữa tháng 8-2019 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Công ty BOT cầu Rạch Miễu phát đi thông báo: cầu Rạch Miễu chính thức quá tải. Trong khi đó, dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 vẫn chưa hẹn ngày khởi công.
Lượng xe qua cầu Rạch Miễu vượt thiết kế 3 lần
14h ngày 11-8, quốc lộ 60 hướng đoạn từ cầu Ba Lai đến cầu Rạch Miễu (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) dòng xe bốn bánh nối đuôi nhau thành hàng dài khoảng 3km nhích từng chút trên đường.
Dừng ôtô bên đường để mua quà lưu niệm nhân chuyến về Bến Tre thăm quê vợ, anh Nguyễn Văn Quý (38 tuổi, ngụ TP.HCM) thở dài ngao ngán: "Cứ tưởng kẹt xe chỉ có ở Sài Gòn. Ai ngờ ở vùng quê xa xôi như Bến Tre cũng kẹt khủng khiếp vậy".
Anh Quý cho biết tranh thủ những ngày các con anh đang nghỉ hè, cứ cách một tuần anh lại chở vợ và hai con về Bến Tre chơi để thư giãn đầu óc. Nhưng cứ mỗi lần đi qua cầu Rạch Miễu là phải xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ mới qua được.
Theo ghi nhận, đoạn quốc lộ 60 gần khu vực cầu Rạch Miễu đã được mở rộng ra 3 làn ôtô mỗi chiều, nhưng khi lên đến cầu Rạch Miễu thì chỉ còn lại 1 làn, tạo thành "nút thắt cổ chai" ngay chân cầu.
Tại chân cầu, cảnh sát giao thông luôn túc trực điều tiết nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng kẹt xe mà chỉ hạn chế được việc tài xế vượt ẩu, chen lấn.
Do "nút thắt cổ chai" ngay tại chân cầu, nên dù Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu cách đó khoảng 1km có "xả trạm" mỗi lần ùn ứ cũng không giải quyết được tình trạng kẹt xe.
Theo ông Hà Ngọc Nam - phó giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu (Bến Tre), cầu này được thiết kế đường cấp 3 đồng bằng, tương đương 3.000 - 6.000 lượt ôtô qua lại mỗi ngày đêm, nhưng hiện tại lượng xe đã lên đến khoảng 18.000 lượt, vượt quá thiết kế rất xa.
"Đặc biệt, những tháng gần đây lượng phương tiện qua cầu rất đông, nên hầu như cuối tuần nào cũng xảy ra tình trạng kẹt xe, phải xả trạm thu phí trong 3 - 4 tiếng đồng hồ mới có thể thu phí trở lại bình thường. Mỗi lần ngưng thu phí như vậy ít nhất cũng thất thu trên 50 triệu đồng" - ông Nam nói.
Vẫn theo ông Nam, cầu Rạch Miễu đã bị quá tải trong thời gian dài. "Bây giờ chỉ cần một sự cố nhỏ trên cầu cũng có thể xảy ra một đợt kẹt xe khủng khiếp trên trục quốc lộ 60" - ông Nam đưa ra cảnh báo và cho rằng để giải quyết tình trạng này căn cơ, không có cách nào khác ngoài việc nhanh chóng xây dựng cầu Rạch Miễu 2 để gánh tải bớt cho cầu Rạch Miễu hiện hữu.
Dự án cầu Rạch Miễu 2 "đóng băng"
Dù manh nha từ nhiều năm và đến tháng 6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý giao Bộ GTVT nghiên cứu lập báo cáo đề xuất đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, thế nhưng đến nay các bộ, ngành và địa phương vẫn loay hoay với việc chọn nguồn vốn đầu tư nào cho phù hợp.
Ban đầu, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 7 thuê đơn vị tư vấn thiết kế Dasan (Hàn Quốc) lập báo cáo nghiên cứu dự án.
Trước đó, Hiệp hội Nhà thầu quốc tế Hàn Quốc (ICAK) cũng đã cam kết hỗ trợ vốn không hoàn lại để lập dự án. Đến tháng 6-2017, Dasan hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trong đó báo cáo đề xuất đầu tư dự án từ nguồn vốn ODA (vay vốn nước ngoài) khoảng 226,9 triệu USD.
Tháng 8-2017, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức xã hội hóa.
Vì vậy, Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 7 nghiên cứu các phương án đầu tư theo hình thức PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác), trong đó tính toán đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao).
UBND tỉnh Bến Tre đã kêu gọi Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu và một số nhà đầu tư khác thực hiện dự án này theo hình thức BOT. Thế nhưng tất cả đều từ chối vì phương án tài chính không hấp dẫn.
Tháng 1-2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật báo cáo Thủ tướng xin chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 từ xã hội hóa sang kêu gọi vay vốn ODA. Thế nhưng sau đó ngày 7-6-2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kiến nghị Thủ tướng cho phép đầu tư dự án này bằng nguồn vốn đầu tư công trong nước.
Lý do các bên thống nhất sử dụng nguồn vốn trong nước là để đảm bảo tính chủ động trong việc bố trí vốn, triển khai dự án, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình đáp ứng nhu cầu cấp bách.
Vì nếu sử dụng vốn ODA sẽ kéo dài thời gian xây dựng cầu Rạch Miễu thêm 2-3 năm và không đáp ứng được mục tiêu cấp thiết giải quyết ngay tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay ở cầu Rạch Miễu.
Người dân chịu cảnh kẹt xe ít nhất 5 năm nữa
Chiều 13-8, một lãnh đạo Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) cho biết Bộ Kế hoạch - đầu tư vừa có văn bản gửi Bộ GTVT cho ý kiến về việc đầu tư dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2.
Theo đó, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan sớm đẩy nhanh các thủ tục đầu tư dự án bằng nguồn vốn đầu tư công trong nước theo đúng quy định hiện hành.
Trước đó, Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Thủ tướng cho phép bố trí khoảng 20 tỉ đồng để triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư. Đồng thời kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí vốn cho dự án từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để khởi công dự án cầu Rạch Miễu 2 trong năm 2021 và hoàn thành năm 2024.
Như vậy, ít nhất cũng phải mất đến 5 năm nữa tình trạng kẹt xe tại cầu Rạch Miễu hiện hữu mới được giải quyết.
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: