Những tranh chấp diễn ra dai dẳng tại 10% chung cư trên cả nước thực sự là câu chuyện nan giải, đòi hỏi phải có hướng giải quyết hợp lý, theo đó cần thiết phải hoàn thiện các văn bản pháp quy, ở mức cao nhất là xây dựng Luật Chung cư.
Chỉ có thể giải quyết được tận gốc tình trạng tranh chấp tại chung cư khi có các quy định chặt chẽ, dung hòa được lợi ích của cư dân và chủ đầu tư.
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện có 458 trong số 4.422 chung cư hiện có trên cả nước đã và đang xảy ra tranh chấp.
Có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng trên. Đó là những bất đồng về đóng góp, kinh phí quản lý, vận hành, là việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, là chất lượng công trình có vấn đề, là chủ đầu tư không xây dựng công trình hạ tầng trong khu vực dự án trong quyết định được duyệt…
Ngay cả việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư cũng dễ làm bùng phát những mâu thuẫn âm ỉ ở một số dự án.
Ở góc độ những người sở hữu nhà tại chung cư, một trong những nguyên nhân thường dẫn đến tranh chấp là quyền lợi của người mua nhà luôn trong tình trạng bị xâm phạm hoặc đứng trước nguy cơ bị xâm phạm. Chẳng hạn, chủ đầu tư đơn phương tính phí dịch vụ cao hơn so với đơn giá ký trong hợp đồng, nhập nhèm về kinh phí bảo trì… tại một số dự án khiến cư dân rất bất xúc. Những tranh chấp bùng phát và kéo dài tại chung cư cao cấp W. ở quận Hà Đông (Hà Nội) nói riêng cùng nhiều chung cư khác ở TP.HCM đều phát xuất từ những căn nguyên nêu trên.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là do một số quy định pháp luật chưa đầy đủ, liên quan tới thời điểm nộp kinh phí bảo trì, chuyển tiếp hợp đồng mua nhà, kinh phí bảo trì sở hữu chung và phòng sinh hoạt cộng đồng…
Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu quy định hoặc chưa có có quy định cụ thể về các vấn đề trên đang tạo cơ hội cho chủ đầu tư dự án khai thác kẽ hở luật pháp nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Một trong những hành vi dễ thấy là chủ đầu tư cố tình chậm bàn giao quỹ bảo trì để chiếm dụng vốn, thu lợi bất chính. Hoặc đơn giản là việc ép cư dân chấp nhận giá dịch vụ cao hơn một chút so với mức giá đã ký trong hợp đồng để kiếm lợi về sau.
Trong bối cảnh số lượng dự án chung cư ngày càng tăng, nếu không kịp thời giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn nêu trên thì hệ lụy sẽ rất xấu với không chỉ cư dân, mà cả với chủ đầu tư tự án. Ở bình diện rộng hơn, tình trạng trên kéo dài sẽ tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản và môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thế giới đã có luật về sở hữu chung cư ngay từ khi loại hình này xuất hiện. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà xây dựng chính sách có thể tham khảo, từ đó hoàn thiện quy định về chung cư, bịt lỗ hổng pháp lý, hạn chế tình trạng chủ đầu tư dự án lách luật trục lợi cho riêng mình.
Chỉ có thể giải quyết được tận gốc tình trạng tranh chấp tại chung cư khi có các quy định chặt chẽ, dung hòa được lợi ích của cư dân và chủ đầu tư. Chừng nào chưa có quy định pháp lý cụ thể, hợp tình hợp lý, thì người dân ở chung cư còn thấp thỏm và tranh chấp chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.
DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: