Mặc dù đã có quy định về việc xây dựng chung cư cao tầng ở nội đô, nhưng trên nhiều tuyến đường, nhà cao tầng vẫn mọc lên như nấm.
Chỉ một đoạn đường ngắn, nhưng có tới hàng chục cao ốc vây quanh, Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi trở thành con đường "đau khổ" tại Hà Nội.
Theo con số thông kê sơ bộ, dọc hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu có đến hơn 50 tòa chung cư với chiều cao từ 20 - 30 tầng. Trong đó, số lượng căn hộ và quy mô dân số của nhiều tòa lên tới cả vạn người.
Tại khu vực đường Lê Văn Lương, có thể kể đến hàng loạt các dự án như: dự án Star City với gần 400 căn hộ, dự án Chung cư The Golden Palm 2 tòa tháp cao 27 tầng cung cấp 405 căn.
Dự án Handi Resco kết hợp dịch vụ thương mại xây dựng trên diện tích 2.410m2, có tổng diện tích sàn xây dựng 46.755m2, với 25 tầng nổi, 336 căn hộ. Dự án này dự kiến bàn giao nhà vào quý 2/2017.
Dự án nhà ở và văn phòng cho thuê Center Point gồm 2 tòa nhà cao 33 tầng, cung cấp cho thị trường 360 căn chung cư cao cấp. Dự án này dự kiến hoàn thành năm 2017.
Dự án tòa nhà văn phòng MB Grand Tower của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội hiện đang xây dựng, trong tương lai đây sẽ là nơi làm việc của hàng nghìn người.
|
Chung cư bủa vây đường Lê Văn Lương - Ảnh: Ngọc Vy
Đường Tố Hữu là đoạn nối dài đường Lê Văn Lương dài chưa đầy 3km được thông xe 6 năm nay. Những tưởng đoạn đường này sẽ giải tỏa một phần áp lực giao thông cho đường Nguyễn Trãi. Thế nhưng, với tốc độ “mọc” lên các khu đô thị, những dự án nhà ở cao tầng như hiện nay lại đang khiến nhiều người dân khiếp sợ vì tắc đường.
Không chỉ đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, tại tuyến đường vành đai 3 của Hà Nội có nhiều cao ốc đã đưa vào sử dụng như dự án Thăng Long number 1 (40 tầng), Ecogreen City (35 tầng), khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ gồm 5 tòa chung cư cao từ (36-45 tầng), khu chung cư Vinaconex 1 (22- 27 tầng). Sắp tới đây, hàng chục toà cao ốc 30-40 tầng cũng sắp đưa vào sử dụng báo hiệu tình trạng kẹt xe khủng khiếp hơn nữa.
Trong 4 quận nội đô, dọc tuyến đường Kim Mã, Giảng Võ một số toà chung cư cao từ 30 tầng trở lên cũng sắp đưa vào sử dụng sẽ khiến cung đường này ken nghẹt người.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, những tiêu chuẩn cụ thể về phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô Hà Nội đã được cơ quan quản lý ban hành từ nhiều năm qua. Trong đó, Quy chuẩn XDVN (QCXDVN 01:2008/BXD) là quy chuẩn quan trọng nhất liên quan đến kiểm soát phát triển nhà cao tầng như quy chuẩn về mật độ xây dựng, tầng cao, giao thông, bãi đỗ xe…
Tuy nhiên, QCXDVN 01:2008/BXD đã không còn hệ số sử dụng đất, các quy định bắt buộc về mật độ dân số thì không rõ. Điều này đặt ra những kẽ hở luật pháp khi thực hiện xây dựng các công trình cao tầng sau này.
Thực tế cho thấy, đã có tình trạng "bùng nổ" xây dựng các tổ hợp cao tầng hỗn hợp tại khu vực trung tâm nội đô của các đô thị. Do vậy, cần có thêm các nghiên cứu tính toán quy định rõ các chỉ tiêu - tiêu chí với loại hình công trình cao tầng này.
Đại diện Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, để tháo gỡ những bất cập này, trước tiên với chính quyền, việc chấp thuận địa điểm xây dựng sẽ quyết định mục đích sử dụng đất tại địa điểm đó.
Đây cũng là bước quyết định các chỉ tiêu cơ bản về quy hoạch và kiến trúc công trình như mật độ xây dựng, chiều cao công trình và một số yêu cầu khác được nêu trong văn bản chấp thuận địa điểm xây dựng.
"Ngoài quy chuẩn về mật độ cây xanh, tiêu chuẩn tầng cao về giao thông đô thị… hiện nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đến mật độ xây dựng, mà chưa quan tâm hệ số sử dụng đất", vị đại diện này nói.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng để hạn chế nhà cao tầng thì cần phải hạn chế sự gia tăng dân số cơ học vào nội đô.
Xét ở góc độ quy hoạch, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng những vấn đề hiện nay của nhà cao tầng khu vực nội đô Hà Nội lại không nằm ở khâu quy hoạch, mà do những bất cập trong khâu thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển theo quy hoạch.
Đó là tình trạng điều chỉnh cục bộ trong quá trình thực hiện. Bởi trong Quy chuẩn xây dựng năm 2008 đã không đề cập đến chỉ số hệ số sử dụng đất (tổng sàn/ diện tích đất), mà chỉ kiểm soát chiều cao và mật độ trong phát triển nhà cao tầng. Việc bỏ hệ số là bỏ ngưỡng chặn trên nên một số công trình không bị hạn chế về chiều cao. Đây cũng là lí do dẫn đến sự gia tăng dân số, áp lực lên hạ tầng.
Ngay bây giờ, cơ quan quản lý cần rà soát lại quy hoạch khu vực nội đô lịch sử và khoanh vùng, cấm tuyệt đối xây dựng ở những khu vực cần bảo tồn như phố cổ, phố cũ, khu vực Hồ Tây, Hồ Gươm, Thành cổ…
"Cần quy định rõ những khu vực cho phép xây nhà cao tầng và phải áp dụng hệ số sử dụng đất để khống chế sự phát triển. Riêng đối với khu vực nội đô mở rộng cần yêu cầu thực hiện theo quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị", ông Chiến đề xuất.
DiaOcOnline.vn – Theo VTC
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: