Top

Bỏ hơn 1.000 định mức lạc hậu trong đầu tư xây dựng

Cập nhật 17/11/2019 14:15

Hơn một năm qua, ở phần xây dựng, Bộ Xây dựng rà soát 14.738/14.738 định mức, loại bỏ 1.005 mức, sửa đổi 3.289 mức, bổ sung 1.120 mức.



Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2038/QĐ-TT ngày 18/12/2017. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đề án đưa vào thực hiện là cuộc cách mạng trong quản lý đầu tư xây dựng, sẽ góp phần nâng cao quản lý các dự án công, hạn chế đội vốn, nâng cao năng suất ngành xây dựng, tạo được thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án Hoàn thành hệ thống định mức, giá xây dựng, ông Phạm Văn Khánh - Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: Đổi mới cơ chế chính sách về quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng là một nội dung quan trọng của đề án, do vậy ngay trong năm 2018, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan soạn thảo và trình Chính phủ ban hành hai Nghị định thay thế: Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Dự thảo hai nghị định này đang trình Thủ tưởng Chính phủ sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.

Ở nhiệm vụ nghiên cứu ban hành các phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng mới phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, Bộ Xây dựng điều tra, khảo sát số liệu thực tiễn trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố để phục vụ xây dựng các phương pháp. Hiện nay Bộ đang tổng hợp, xử lý số liệu khảo sát.

Cùng với đó, Cục Kinh tế xây dựng chủ trì, phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng và chuyên gia tư vấn Nhật Bản hoàn thiện phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng mới. Cục Kinh tế xây dựng cũng đã tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị.

Ông Phạm Văn Khánh - Cục trưởng Kinh tế xây dựng Bộ Xây dựng nhận định: “Triển khai đề án, việc thực hiện rà soát hệ thống định mức, giá xây dựng được thực hiện ở quy mô lớn, bài bản, nghiêm túc. Qua rà soát đã mạnh dạn loại bỏ hơn 1000 định mức lạc hậu; sửa đổi hơn 3000 định mức, bảo đảm nguyên tắc tính đúng tính đủ, sát với thực tiễn; bổ sung hơn 2000 định mức mới… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong đầu tư xây dựng, chống thất thu lãng phí trong đầu tư công”.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh: Đề án là cuộc cách mạng trong quản lý đầu tư xây dựng. Hiện nay, công nghệ, năng suất xây dựng phát triển tốt nhưng kinh tế xây dựng, quản lý chi phí chưa theo kịp thị trường nên việc triển khai đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng. Triển khai đề án hiệu quả sẽ góp phần nâng cao quản lý các dự án công, hạn chế đội vốn, nâng cao năng suất ngành xây dựng, tạo được thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng.

Bộ Xây dựng đã và đang tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách. Sau khi hai nghị định mới thay thế Nghị định 32/2015/NĐ-CP và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được ban hành, dự kiến trong quý II, đầu quý III/2019, Bộ Xây dựng sẽ ban hành 15 thông tư hướng dẫn.

Bộ Xây dựng và 7 Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, 63 địa phương sẽ tập trung xây dựng hệ thống định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị mới trên cơ sở các thông tư hướng dẫn; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước sau này, góp phần tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát lãng phí.

Liên quan đến kinh phí triển khai Đề án, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&CN hoàn thiện và ban hành quy chế chi tiêu tài chính đặc thù để phục vụ hiệu quả công tác thanh toán, giải ngân của đề án, làm căn cứ phân bổ nguồn chi phí triển khai đề án cho các Bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh nhận định: Trong các năm 2019 – 2021 phải hoàn thành bộ hệ thống định mức và giá xây dựng theo phương pháp mới. Khối lượng công việc rất lớn do vậy cơ quan chủ trì là Bộ Xây dựng rất cần sự tham gia, phối hợp triển khai hiệu quả của các Bộ quản lý chuyên ngành và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

DiaOcOnline.vn – Theo VTC