Top

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Giảm xây dựng trái phép, làm cho dân có nhà ở hợp pháp

Cập nhật 31/07/2019 14:30

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh cơ quan quản lý nhà nước về trật tự xây dựng cần tạo điều kiện để dân có nhà ở hợp pháp, chứ không phải để dân xây nhà trái phép rồi tháo dỡ.

Một khu nhà tại xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh, TP.HCM) bị phá dỡ do xây không phép - Ảnh: TỰ TRUNG

Báo Tuổi Trẻ từng có vệt bài phản ánh về thực trạng xây dựng sai phép, trái phép dẫn đến thiệt hại không ít cho người dân. Và thực tế tình trạng trên đang là vấn đề gây bức xúc cho người dân cũng như chính quyền TP.HCM.

Ngày 30-7, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm tìm giải pháp, tăng cường quản lý nhà nước về trật tự xây dựng ở TP. Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Mục tiêu của việc quản lý trật tự xây dựng là giảm xây dựng trái phép, làm cho dân có nhà ở hợp pháp.

Xây dựng trái phép phức tạp vì… tham nhũng

Tham luận của Ban nội chính Thành ủy TP.HCM gửi đến hội nghị nhận định: thời gian qua, trên địa bàn TP, vi phạm trật tự xây dựng xảy ra rất nhiều ở các địa phương cả về số lượng lẫn mức độ sai phạm, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Bên cạnh sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và các cán bộ thì dư luận vẫn cho rằng hành vi tham nhũng của các cán bộ quản lý trật tự xây dựng là một trong những nguyên nhân chính của việc vi phạm xây dựng diễn ra tràn lan tại các địa phương.

Hiện nay, gần như các quận, huyện đều có vi phạm xây dựng không phép. Thậm chí một số xã, phường ở các quận, huyện vùng ven như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh); Bình Mỹ (H.Củ Chi); Đông Thạnh (H.Hóc Môn); Phú Hữu, Phước Long B (Q.9); Linh Trung, Tam Phú (Q.Thủ Đức)… xây dựng không phép tồn tại thành từng khu, lên đến hàng chục nhà.

Ban nội chính nhận định: hành vi tham nhũng trong lĩnh vực trật tự xây dựng rất khó phát hiện vì cả người đưa và người nhận đều có lợi nên không ai phơi bày, số tiền thường không lớn nên người dân không tố cáo hoặc các cơ quan chức năng vào cuộc không kịp thời. Vì vậy, hành vi này càng "sinh sôi" và gần như mang tính mặc định gắn liền với hoạt động xây dựng công trình.

Những năm gần đây, có trên 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý về hành vi công vụ. Nhiều trường hợp bị cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc nhưng chỉ có một cán bộ thanh tra xây dựng tại H.Nhà Bè bị xử lý hình sự về hành vi nhận hối lộ.

Tại hội nghị, phó giám đốc Sở Xây dựng Lê Trần Kiên cũng cho biết trong các năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP có hơn 6.800 công trình xây dựng trái phép. Ông Kiên nhìn nhận: "Một số cán bộ, công chức chưa thể hiện hết trách nhiệm, chậm phát hiện hoặc đề xuất xử lý không kiên quyết, triệt để vi phạm. Không loại trừ công chức, nhân viên tiêu cực dẫn đến vi phạm xây dựng vẫn tồn tại, diễn biến phức tạp".

Trong khi đó, đại diện UBND các quận, huyện cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở các địa phương gia tăng do quy hoạch không phù hợp với quy mô tăng dân số. Ngoài ra, các khu quy hoạch chậm triển khai kéo dài, khó thực hiện các quyết định cưỡng chế tháo dỡ do thiếu kinh phí, quy định…

Xử lý hình sự nếu vi phạm nhiều lần

Nói về xử lý trong xây dựng sai phép, ông Trần Văn Bảy, chủ tịch UBND Q.9, kiến nghị: "Luật hình sự có tội vi phạm quy định về sử dụng đất. Các cơ quan chức năng phải phát hiện, xử lý ngay từ ban đầu, khi chủ đầu tư vi phạm về sử dụng đất và xử phạt theo nghị định 102 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Những người đã bị xử phạt hành chính mà còn tái phạm sẽ xử lý hình sự theo điều trên".

Nhấn mạnh hơn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị sở ngành, địa phương chấn chỉnh ngay vi phạm với phương châm: "Phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu, không để xây dựng sai phạm hoàn thành".

Ông Phong chỉ đạo Công an TP khẩn trương xác minh, xử lý hình sự người vi phạm nhiều lần, nghiêm trọng, đặc biệt là những đầu nậu, người đầu cơ, xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp, tự ý phân lô bán nền để trục lợi.

Đồng thời, xây dựng hướng dẫn hoặc trình tự xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong xây dựng, đất đai.

Cán bộ làm không tốt phải bị xử lý

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành ủy TP.HCM, so sánh con số vi phạm trật tự xây dựng của những năm gần đây và khẳng định đầu năm 2019 số lượng xây dựng trái phép tăng. Bí thư Thành ủy nhận định: Việc xây dựng trái phép kéo dài cả chục năm nay trên địa bàn TP. Vậy phải tìm ra quy luật vì sao việc này tồn tại?

Quy luật tồn tại của việc xây dựng trái phép là vì việc này có lợi cho một số đối tượng cụ thể nên các thế lực mới góp phần duy trì. Nhà nước tạo cơ chế để những người tham gia vi phạm pháp luật, xây dựng trái phép bị bất lợi, bị thiệt hại thì họ sẽ không tham gia nữa.

Ngoài ra, những cán bộ không làm tốt nhiệm vụ cũng phải bị xử lý và từ nay trở đi, công trình xây dựng trái phép phải được xử lý ngay.

Ông Nhân khẳng định việc tìm kiếm các giải pháp quản lý nhà nước về trật tự xây dựng là để làm cho dân có nhà ở hợp pháp, chứ không phải để dân xây nhà trái phép rồi tháo dỡ.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ