Lần đầu tiên công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì được đưa vào kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng.
Cư dân căng băng rôn đòi quỹ bảo trì. Ảnh: Internet
Theo kế hoạch mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã ký thì tại Hà Nội có 16 dự án thuộc diện phải thanh tra.
Trong đó có thể kể đến những cái tên như tranh chấp trong cụm chung cư Bắc Hà C14 (Tố Hữu, Nam Từ Liêm) do Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà làm chủ đầu tư. Hay như các dự án chung cư tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông) của Công ty CP Đầu tư và phát triển Hoàng Thành.
Tương tự, chung cư Hateco (quận Hoàng Mai) của Công ty CP Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội cũng sẽ phải đối diện với hàng loạt yêu cầu giải trình của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Tại TP.HCM, một loạt dự án cũng nằm trong danh sách này có những cái tên trở nên quá quen thuộc trong "cuộc chiến" tranh chấp phí bảo trì. Đơn cử như tại chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú), từ năm 2014 đến nay, cư dân liên tục cầu cứu, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì hàng chục tỉ đồng nhưng chủ đầu tư là Công ty CP Ðầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia vẫn không bàn giao.
Tương tự tại chung cư Khánh Hội 2 (phường 1, quận 4) của chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội chưa bàn giao phí bảo trì, sử dụng phí bảo trì không đúng quy định, chưa xác định phần sở hữu chung, riêng.
Ngoài ra, những chung cư như Hoàng Anh River View (Công ty Hoàng Anh Gia Lai); chung cư Morning Start (Công ty Dịch vụ Xây dựng Địa ốc Xanh), chung cư Investco - Babylon (Công ty Xây dựng và phát triển Hồng Hà)... cũng sẽ phải làm việc với Thanh tra Bộ Xây dựng về việc sử dụng, quản lý phí bảo trì.
Đây là lần đầu tiên công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì được đưa vào kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng.
Cơ quan này cũng cho biết đến đầu năm nay có 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý, vận hành ở 11 địa phương thì có 68 tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì.
Theo bộ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá thì tỉ lệ tranh chấp về phí bảo trì như vậy là không lớn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ở nhiều dự án có tình trạng chiếm dụng quỹ bảo trì với số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 3.000 nhà chung cư, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Đến hết tháng 2-2019, tại Hà Nội có 745 chung cư thương mại bàn giao cho khách hàng, trong đó có 492/745 nhà chung cư tổ chức thành công hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị. Nhưng trong 492 dự án có ban quan trị thì chỉ có 238 dự án là đã bàn giao 2% phí bảo trì cho ban quản trị các tòa nhà.
Trong khi đó, tính đến hết quý I năm nay, cũng theo số liệu của Bộ Xây dựng thì trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 1.350 tòa nhà chung cư, trong đó có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, có chín chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: