Việc Hà Nội liên tiếp có chủ trương cho nhiều doanh nghiệp dùng đất công viên để xây bãi đỗ xe ngầm kết hợp kinh doanh dịch vụ đang vấp phải sự phản ứng của người dân cũng như các chuyên gia kinh tế, đô thị
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra và trả lời kiến nghị của công dân tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy về chủ trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại trong khuôn viên Công viên Cầu Giấy, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Xẻ đất các công viên
Khi chuyện trên còn khá nóng thì mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại có quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư HimLamBC đầu tư dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ tại Công viên Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, TP Hà Nội đang tận dụng mọi không gian để trồng cây xanh, phấn đấu tạo ra nhiều công viên và khu vui chơi giải trí cho người dân. Song, việc dành các không gian công cộng kêu gọi các nhà đầu tư phục vụ cho thương mại, nhất là bãi đỗ xe, cũng rất cần thiết. Tỉ lệ sở hữu ôtô của người Việt Nam trong tương lai sẽ tăng nhanh chóng. Đến 10-15 năm nữa, theo các tính toán, mật độ bãi đỗ xe trong khu vực đô thị sẽ thiếu trầm trọng. Từ năm 2016-2018, với 3 hội nghị xúc tiến đầu tư, Hà Nội đã kêu gọi đầu tư vào 40 dự án ngầm, bãi đỗ xe ngầm. Đến nay, chỉ có 5 nhà đầu tư đăng ký đầu tư các bãi đỗ xe ngầm.
|
Một số người dân ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội phản đối dự án bãi xe ngầm tại Công viên Cầu Giấy
Theo đề xuất của doanh nghiệp xin xây dựng dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Cầu Giấy thì doanh nghiệp này cần 1,45 ha (trên tổng diện tích 10 ha). Bãi đỗ xe ngầm này được đề xuất xây 3 hầm, 2 hầm dưới cùng dự kiến có diện tích 24.000 m2 và làm chỗ đỗ cho khoảng 874 ôtô. Hầm trên cùng, chủ đầu tư dự định dành 12.000 m2 kinh doanh thương mại. Trong đó, xây dựng rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện, khu vui chơi trẻ em, khu tập thể thao, trung tâm thương mại… Trên mặt đất, chủ đầu tư cho biết sẽ xây dựng vườn hoa, khu vui chơi trẻ em bù vào phần đất đã xén đi. Đề xuất này đã được lãnh đạo UBND TP Hà Nội đồng ý và giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn thực hiện.
Còn tại Công viên Thủ Lệ, dự án của Công ty CP Đầu tư HimLamBC có tổng diện tích xây dựng phần ngầm khoảng hơn 72.000 m2, bao gồm 5 tầng hầm và 1 tầng kỹ thuật. Tầng hầm 1 có diện tích sàn hơn 16.000 m2 với chức năng chính là không gian thương mại, dịch vụ và garage đỗ xe; trong đó phần thương mại, dịch vụ, nhà hàng khoảng 12.500 m2, garage đỗ xe gần 1.800 m2. Tầng hầm 2 và 3 có cùng công năng, gồm hơn 10.500 m2 garage đỗ xe, 4.600 m2 khu vực dịch vụ. Tầng hầm 4 và 5 có diện tích nhỏ hơn, khoảng 11.300 m2, chức năng chính là garage đỗ xe.
"Xẻ thịt" đô thị?
Ngay sau khi có thông tin Hà Nội chủ trương cho doanh nghiệp lấy đất Công viên Cầu Giấy để xây dựng bãi đỗ xe ngầm, nhiều người dân phường Dịch Vọng đã lên tiếng phản đối. Hàng trăm người dân đã ký vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ ra những điểm bất hợp lý của dự án.
Đến ngày 8-5, phường Dịch Vọng công bố kết quả phiếu lấy ý kiến người dân về việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp chức năng thương mại. Ông Lê Minh Trí, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Dịch Vọng, cho biết trong 1.954 phiếu hợp lệ có khoảng 1.150 phiếu đồng thuận, hơn 800 phiếu còn lại không đồng ý và một số ý kiến đề nghị di chuyển bãi xe ngầm sang vị trí khác… Những ngày sau đó, nhiều ban công của các tòa nhà quanh công viên phủ kín các băng-rôn phản đối dự án bãi xe ngầm này.
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, chủ trương thu hút đầu tư xây dựng bãi xe ngầm vì sự thiếu hụt các bãi xe hiện nay là chính đáng. Tuy nhiên, nhiều dự án bãi xe ngầm ở Hà Nội hiện vẫn chưa thực hiện được chủ yếu do giải pháp kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề là giải quyết được diện tích bãi xe ngầm mà vẫn bảo đảm không gian xanh bên trên. Về việc này, nhiều dự án trước đây ở Công viên Thống Nhất, Vườn hoa Hàng Đậu… đều không đạt.
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng trong các đô thị hiện nay, công viên được xem là lá phổi nên những dự án lấy đất công viên để làm bãi đỗ xe kết hợp kinh doanh thương mại như ở Hà Nội là rất không nên. Theo ông, việc này không khác gì "xẻ thịt" đô thị. Nếu chính quyền thấy cần thiết phải làm thì hãy bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng ở những nơi khác mà xây dựng bãi đỗ xe, chứ không nên động tới đất công viên.
TP HCM: Dự án bãi đậu xe ngầm "bất động"
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống bến bãi tại TP có diện tích hơn 1.145 ha. Trong đó, chỉ tiêu quy hoạch bến bãi đậu ôtô là 519,98 ha (chiếm 45,4%). Tại khu trung tâm, tổng diện tích bến bãi quy hoạch là 8,9 ha, trong đó quận 1 chiếm 7,55 ha với 4 vị trí xây dựng bãi đậu xe ngầm gồm: Công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân bóng đá thuộc Công viên Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư. Tuy nhiên, những dự án này vẫn đang "án binh bất động" bởi gặp nhiều vướng mắc.
Đơn cử là dự án tại sân khấu Trống Đồng. Dù có chủ trương đầu tư và triển khai từ năm 2010 nhưng suốt 9 năm qua, dự án này vẫn chưa khởi động do vướng nhiều về thủ tục và liên tục phải điều chỉnh, thay đổi thiết kế.
DiaOcOnline.vn – Theo Người lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: