Bộ Xây dựng yêu cầu 11 tỉnh, thành phố báo cáo tình hình thực hiện bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
11 tỉnh, thành phố phải báo cáo là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TPHCM, TP. Cần Thơ, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế.
Văn bản ra ngày 26/11 nêu rõ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về tình hình thực hiện bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đối với các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Cụ thể, Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh, thành phố trên báo cáo tình hình thực hiện bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy định pháp luật về bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và đề xuất, kiến nghị của địa phương.
Dự án Long Phụng Residence dở dang nhiều năm, chủ đầu tư bỏ trốn khiến nhiều khách hàng điêu đứng
|
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương báo cáo cụ thể thông tin các dự án gồm tên dự án, chủ đầu tư, địa điểm, quy mô dự án đã được phê duyệt; báo cáo tình hình kinh doanh của dự án (gồm số lượng nhà ở hình thành trong tương lai đã bán, số lượng nhà ở hình thành trong tương lai chưa bán, văn bản của Sở Xây dựng về việc dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai); báo cáo tình hình thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai của dự án (tên ngân hàng cam kết bảo lãnh; hợp đồng/cam kết cấp bảo lãnh của ngân hàng; số lượng chứng thư bảo lãnh đã phát hành đối với từng hợp đồng).
Các địa phương phải gửi báo cáo trước ngày 14/12/2018.
Hình thức kinh doanh nhà hình thành trong tương lai đã được Luật Kinh doanh bất động sản cho phép và triển khai hơn 10 năm nay. Nó vừa giúp các chủ đầu tư huy động thêm nguồn vốn để triển khai dự án, vừa giúp người mua nhà giảm bớt áp lực tài chính khi thanh toán tiền mua nhà nhiều lần theo tiến độ dự án, giá rẻ hơn so với giá căn hộ sau khi đã hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, thống kê từ thực tế cho thấy, có ít nhất 5 rủi ro khách hàng rất dễ “sập bẫy”, từ hồ sơ pháp lý, tài chính ngân hàng cho đến tiến độ, chất lượng căn hộ…
Từng trao đổi với báo chí về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có hai giải pháp để hạn chế rủi ro cho người mua nhà hình thành trong tương lai.
Thứ nhất, cấm hẳn chủ đầu tư huy động vốn của người mua nhà. Khách hàng có thể đặt cọc trước một khoản nhất định nhưng tiền này phải phong tỏa và chủ đầu tư không được sử dụng đến.
Cách thứ hai nhẹ nhàng hơn, vẫn cho chủ đầu tư huy động vốn từ người mua nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ. Tiền người dân đóng vào phải để thực hiện dự án mà họ mua chứ không phải mục đích khác của chủ đầu tư. Tuy nhiên, để thực hiện được cách này cân phải có sự minh bạch đến từ chủ đầu tư, ngân hàng và cả sự quản lý giám sát của cơ quan chức năng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: