Top

Trung Quốc: Áp lực giảm giá nhà sẽ còn kéo dài trong năm nay

Cập nhật 02/04/2014 14:31

Dấu hiệu yếu đi của nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu xuất hiện khi một đơn vị phát triển bất động sản tại thành phố duyên hải tỉnh Ninh Ba phá sản.


Năm 2014, tốc độ tăng giá nhà Trung Quốc bước đầu chững lại, dấy lên lo ngại về khả năng chi trả của các chủ đầu tư Trung Quốc khi các khoản nợ đã đến gần ngày đáo hạn.

Đáng chú ý, 30% khoản nợ ngân hàng có liên quan đến bất động sản, trong khi phần lớn các khoản nợ này được thế chấp bằng đất đai và nhà cửa. Đóng góp 16% vào tổng GDP và hỗ trợ phát triển cho hàng loạt các ngành công nghiệp phụ trợ, bất động sản chững lại nhịp phát triển sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Trung Quốc nói chung.

Theo đánh giá của Cushman Wakefield, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, áp lực giảm giá nhà ở sẽ còn kéo dài trong năm nay. Giá bán và mức hấp thụ sản phẩm của phân khúc nhà ở sẽ không thể đạt tới mức tăng trưởng cao như những năm trước đây, đặc biệt là khi khả năng chi trả của người tiêu dùng bị bó hẹp do các chính sách thắt chặt tiền tệ và các biện pháp kiểm soát định chế tài chính phi ngân hàng.

Rất nhiều nhà phát triển đã và đang thận trọng, xem xét nhiều hơn đến yếu tố giá cả. Tại một số thành phố, nhiều khu nhà ở phân khúc cao cấp xuống giá và nhiều khả năng, những nhà phát triển tại những khu vực này sẽ còn phải giảm giá xuống nữa nếu muốn thúc đẩy khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, sự giảm giá này là không đáng kể và giảm chủ yếu là các loại bất động sản tồn đọng tại thị trường cấp ba, cấp bốn.

Thuận lợi thị trường phải chờ dài hạn

Nhìn ở góc độ tương lai, các chuyên gia cho rằng, niềm tin vào thị trường đang ở mức tiêu cực và sự bất ổn định của nó tuy có ảnh hưởng tới triển vọng phát triển trong ngắn hạn, kinh doanh nhà ở vẫn sẽ tiếp tục thuận lợi trong dài hạn nhờ nhiều nguyên nhân. Trước hết, quá trình đô thị hóa góp phần thúc đẩy nhu cầu nhà ở. Ngày 16 tháng 3 vừa qua, Hội đồng Chính phủ vừa phê duyệt đề án đô thị hóa.

Đồng thời, các nhà chính sách cũng đang nỗ lực để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhằm cải thiện khả năng chi trả cho người dân đồng thời kiểm soát hoạt động đầu cơ tại các phân khúc bất động sản cao cấp.

Thêm vào đó, chính sách kế hoạch hóa mỗi gia đình chỉ có một con cũng được nới lỏng, tạo điều kiện gia tăng nhu cầu nhà ở. Cuối cùng, chỉ tiêu phát triển GDP cho năm 2014 đạt 7,5% trong bối cảnh nhu cầu và kinh tế thế giới dần phục hồi, mức thu nhập và tình hình việc làm của người dân cũng được ổn định, cho phép họ nghĩ đến việc an cư, mua nhà.

DiaOcOnline.vn - Theo Người đồng hành