Giá nhà tăng vọt ở thủ đô buộc nhiều viên chức Trung Quốc phải nhắm đến đến các thành phố lân cận như Thiên Tân để an cư.
Như thường lệ, Zhang Junzhe, giám sát viên của Công ty nội thất phòng tắm Gamadecor Bắc Kinh, lại đợi tàu ở Nhà ga Nam Bắc Kinh vào 7 giờ tối thứ sáu. Sau một tuần làm việc vất vả ở đây, anh đang lên đường trở về nhà - ở Thiên Tân.
Chuyến tàu tốc hành Bắc Kinh - Thiên Tân, chạy quãng đường 120 km trong khoảng nửa giờ, với giá 17 đôla cho mỗi chuyến khứ hồi, là phương tiện mà anh chọn để đi lại giữa chỗ làm và nhà ở suốt 4 năm qua.
"Những ông bố cuối tuần" đang bắt chuyến tàu Bắc Kinh - Thiên Tân để trở về nhà ở Thiên Thân vào tối thứ 6. Ảnh: China Daily. |
"Cha mẹ đã mua cho tôi một căn hộ ở Thiên Tân, nhưng tôi làm việc ở Bắc Kinh, nơi mà giá nhà đã vượt quá khả năng tài chính của tôi", chàng thanh niên 27 tuổi có hộ khẩu ở Thiên Tân cho biết.
Zhang biết rằng tình cảnh của anh không phải là độc nhất vô nhị.
"Tôi đã gặp rất nhiều người Thiên Tân khác cũng làm việc ở Bắc Kinh và thường xuyên bắt chuyến tàu này. Đôi khi, chúng tôi còn sắp xếp để trở về cùng nhau".
Mặc dù chưa có thống kê chính xác số lượng những người phải bắt tàu hỏa đi làm, song theo khảo sát của Viện phát triển kinh tế đô thị Thiên Tân, khoảng 30% các căn hộ được bán ra ở thành phố này vào năm 2009 là do những cư dân không phải người Thiên Tân mua, và một nửa trong số họ có hộ khẩu Bắc Kinh.
Chinadaily cho biết rất nhiều viên chức như Zhang hàng tuần vẫn di chuyển giữa các thành phố, và tự đặt cho mình biệt danh "hội con lắc".
Cứ sáng thứ hai, hoặc chiều muộn chủ nhật, họ lại rời nhà đến chỗ làm, và trở về vào cuối tuần.
"Giá sinh hoạt ở Bắc Kinh rất cao. Căn hộ tôi ở chung với một đồng nghiệp ở quận Fengtai ngốn mất của tôi khoảng 147 đôla mỗi tháng. Ngoài tiền vé tàu hỏa, tôi còn phải mua vé xe bus để đi về nhà ở cả hai đầu".
"Thật là mệt mỏi. Mặc dù chỉ mất khoảng 30 phút từ Nhà ga Thiên Tân tới Nhà ga Nam Bắc Kinh, song tôi phải mất ít nhất một tiếng rưỡi để tới được hai nhà ga này", Zhang nói.
"Tôi yêu Thiên Tân, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, nhưng vẫn chọn làm việc ở Bắc Kinh vì ở đây có nhiều cơ hội làm việc tốt", anh nói.
Vợ của Zhang vẫn sống ở Thiên Tân, nơi chị có công việc ổn định và dự định lập một công ty nhỏ.
"Tôi hy vọng anh ấy có thể trở về. Nhưng tôi biết anh ấy là người tham vọng, và muốn những thách thức lớn hơn, trong khi tôi lại thích một cuộc sống an nhàn. Chúng tôi không thể thỏa hiệp được", chị bảo.
Và nói đến tương lai, không ai trong số họ có kế hoạch rõ ràng.
"Sống ở thành phố này và làm việc ở thành phố khác là chuyện phổ biến ở châu Âu", Lu Xin - nhân viên Ngân hàng Union của Thụy Sĩ có chi nhánh tại Bắc Kinh - cho biết, khi nói về một số lượng lớn trường hợp mà anh đã gặp ở Thụy Sĩ.
"Những người làm việc ở thủ đô Zurich có thể trở về nhà tại các thành phố nhỏ hơn mỗi ngày. Khác với Trung Quốc, việc đó mất ít thời gian hơn nhiều, tàu hỏa cũng tiện nghi hơn và ít người hơn".
Ngược lại, ở Bắc Kinh, chỉ nội việc đi từ góc này sang góc khác cũng đủ khiến người ta cảm thấy như đi lại giữa hai thành phố.
Giáo sư Xu Gang, ở Trung tâm nghiên cứu điều kiện xã hội Quảng Đông, cho biết "hội con lắc" ở Trung Quốc có thể đối mặt với áp lực đáng kể - cả về thể chất và tinh thần. "Rất nhiều cặp vợ chồng không sống cùng nhau, và điều này có thể dẫn tới khủng khoảng hôn nhân", ông nói.
Mặc những bất tiện này, ngày càng nhiều người chọn cách sống "lắc lư" giữa nơi làm việc và nhà ở.
Với Li Min, nhân viên 40 tuổi của một công ty đầu tư ở Bắc Kinh, lý do ở lại thủ đô là rất hiển nhiên: "Lương cao và môi trường làm việc thoải mái khiến cho Bắc Kinh trở thành lựa chọn hoàn hảo", anh nói.
Vợ và con gái Li sống ở ngoại ô thành phố Đường Sơn, cách Bắc Kinh 150 km. Bản thân anh thấy ít có cơ hội định cư tại thủ đô do giá nhà cao và hệ thống quản lý hộ khẩu chặt chẽ. Song, trở lại Đường Sơn cũng không phải là lựa chọn hấp dẫn.
"Tôi đã sống ở Bắc Kinh hơn 10 năm và thấy cuộc sống ở đây rất thuận tiện. Cơ hội việc làm tốt hơn, hệ thống chăm sóc y tế cũng tốt hơn. Khi đã quen với điều đó, thật khó để chuyển đến một thành phố khác, thậm chí là thành phố quê hương".
Nhưng anh cũng thú nhận rằng "Tôi đã mệt mỏi với hành trình này. Tôi phải mất hơn 2 giờ để lái xe về nhà và lưng tôi đau nhừ. Tôi có thể trở về với gia đình khi đã nghỉ hưu, nhưng giờ thì tôi phải sống như thế này".
"Hội con lắc" không chỉ có ở Bắc Kinh và Thiên Tân, mà còn xuất hiện ở các vùng đồng bằng sông Dương Tử và đồng bằng sông Châu Giang.
Tờ Southern Weekly năm ngoái cho biết hơn 60.000 người vẫn đi lại thường xuyên giữa Thượng Hải và Hàng Châu, giữa nơi gia đình họ ở và nơi làm việc.
Một nghiên cứu khác còn cho biết vào khoảng 70.000 đến 100.000 người vẫn đi về giữa Quảng Châu và Thâm Quyến.
Một số lượng người không kém, và đang ngày càng tăng lên, chọn cách sống đi về giữa Thượng hải (hoặc Quảng Châu) và các thành phố hạng hai hoặc hàng 3 ở lân cận.
"Cái mà hiện tượng này đem lại là sự lãng phí tài nguyên. Trong khi những nhân viên phải bỏ ra quá nhiều thời gian và tiền bạc để đi lại trên dường, thì nhiều ngôi nhà trong các thành phố lớn lại trống không", giáo sư Dong Baomin, từ Đại học Kinh tế và Thương Mại quốc tế ở Bắc Kinh, nhận định.
Nhưng theo giáo sư Xu Gang, điều này cuối cùng có thể dẫn tới sự tăng trưởng cân bằng và do đó sẽ đem lại sự phân phối tài nguyên tốt hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: