Top

Soi dòng tiền khổng lồ mà Trung Quốc đang bỏ ra để thâu tóm hàng loạt tài sản ở châu Âu

Cập nhật 07/10/2018 08:29

Trong suốt hơn một thập kỷ, các chính trị gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Trung Quốc đã "lùng sục" cả thế giới bằng "những chiếc ví không đáy".


Từ châu Á đến châu Phi, Mỹ và châu Mỹ Latinh, một sự thật hiển nhiên là Trung Quốc đã khẳng định mình là một cường quốc mới nổi. Tuy nhiên việc mở rộng của Trung Quốc tại thị trường châu Âu có vẻ ít được nhận biết hơn.

Bloomberg đã "nghiền nát" các con số trên các báo cáo để có được cái nhìn sâu sắc nhất về sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Âu. Các số liệu cho thấy Trung Quốc đã chi tổng cộng ít nhất 318 tỷ USD trong 10 năm qua để mua hoặc đầu tư vào các tài sản ở châu Âu.

Khối lượng và tính chất của một số khoản đầu tư này, từ cơ sở hạ tầng quan trọng ở phía đông và nam Âu đến các công ty công nghệ cao ở phía tây, đã làm dấy lên một mối lo ngại ở cấp Liên minh châu Âu. Các nhà lãnh đạo bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thúc đẩy một chiến lược chung để kiểm soát sự mở rộng không ngừng của Trung Quốc vào châu Âu, với một số phản đối từ ngoại biên của EU.


Bloomberg đã phân tích dữ liệu của 678 giao dịch đã hoàn thành hoặc đang chờ xử lý ở 30 quốc gia kể từ năm 2008 và các công ty tư nhân của Trung Quốc đã tham gia vào các giao dịch trị giá ít nhất 255 tỷ USD trên khắp lục địa châu Âu. Khoảng 360 công ty đã về tay Trung Quốc, từ hãng sản xuất lốp xe Ý Pirelli & C. SpA đến công ty cho thuê máy bay Ailen Avolon Holdings Ltd., trong khi các công ty Trung Quốc cũng sở hữu một phần hoặc toàn bộ ít nhất bốn sân bay, sáu cảng biển, trang trại gió ở ít nhất 9 quốc gia và 13 đội bóng đá chuyên nghiệp.

Quan trọng hơn, các con số có sẵn chưa đánh giá đúng mực về tham vọng của Trung Quốc ở châu Âu. Họ đã loại trừ 355 vụ sáp nhập, đầu tư và liên doanh với các điều khoản không được tiết lộ. Bloomberg đưa ra ước tính về hàng chục giao dịch cao cấp trong nhóm này cho thấy tổng giá trị thêm là 13,3 tỷ USD.

Một số lĩnh vực cũng chưa được tính đến bao gồm: đầu tư xâm nhập hoặc các hoạt động trên thị trường chứng khoán với tổng trị giá ít nhất là 40 tỷ USD, theo các nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ và Hội đồng Quan hệ đối ngoại Châu Âu biên soạn, cộng thêm 9 tỷ USD trong vụ Geely thâu tóm cổ phần ở Daimler, công ty mẹ của thương hiệu Mercedes Benz.


London chính là nơi các hoạt động mua bán của Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ nhất trong khu vực châu Âu, có đến cả 10 tòa tháp văn phòng tại các khu tài chính của London và Canary Wharf.


Năm 2016 là một năm thành công đối với Trung Quốc ở thị trường châu Âu, khi China Chemical Chemical Corp., còn được gọi là ChemChina, tuyên bố sẽ mua nhà sản xuất thuốc trừ sâu Thụy Sỹ Syngenta AG với giá 46,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, trừ thương vụ này quy mô của các thương vụ có vẻ như đã giảm. Trong năm 2008 và 2009, trung bình các giao dịch trị giá gần 740 triệu USD, so với mức 290 triệu USD trong năm 2016 và 2017 (sau khi đã loại bỏ vụ ChemChina-Syngenta).

Tham vọng ngày càng cao của Trung Quốc

Hơn một nửa tổng số đầu tư tập trung ở 5 nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã tham gia kí kết các hợp đồng trị giá 70 tỷ USD, chỉ tính riêng tại Vương quốc Anh. Nhưng ngoài ra, Trung Quốc cũng thực hiện xây dựng một số cơ sở hạ tầng quy mô lớn, ví dụ như mua cảng lớn nhất của Hy Lạp, tại Piraeus.

Đồng thời, Đức, Pháp và Ý đang thúc đẩy cơ chế sàng lọc đầu tư rộng khắp EU, trong khi chính phủ Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Síp đang hoài nghi về một động thái như vậy, cho biết như vậy sẽ gây cản trở khả năng thu hút vốn rất cần thiết của các quốc gia này.

Theo Derek Scissors, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ: "Tiền sẽ đi đến nơi mà nó được chào đón nhiều nhất. Cho đến khi cơ chế đánh giá châu Âu được đưa vào — như Mỹ và Úc đều có — Châu Âu có khả năng giành được phần đầu tư lớn nhất trong quá trình đầu tư của Trung Quốc. Tôi mong đợi một động thái ở châu Âu để điều chỉnh các hoạt động đầu tư của Trung Quốc."

Cho dù danh mục đầu tư của Trung Quốc khá đa dạng, gồm bất động sản thương mại ở London, các công ty công nghệ của Đức như nhà sản xuất robot công nghiệp Kuka AG, nhà sản xuất xe hơi Scandinavian như Volvo Personvagnar AB hay các nhà sản xuất năng lượng như Addax Petroleum Corp. của Thụy Sĩ, vẫn có thể thấy Trung Quốc đã tập trung đầu tư vào một số ngành công nghiệp chủ chốt. Đó là các ngành hóa chất, năng lượng truyền thống, bất động sản, khai khoáng, internet, giải trí, xây dựng, ô tô, viễn thông, điện tử, logistic, tài chính, bán lẻ, y tế.

Đầu tư theo ngành

Việc biết ai đang thực hiện những hoạt động mua bán này là rất quan trọng để hiểu cách hoạt động đó có phù hợp với mục tiêu chính sách đối ngoại chính thức và không chính thức của Trung Quốc hay không. Tổng cộng đã có hơn 670 thực thể Trung Quốc hoặc Hồng Kông đã đầu tư vào châu Âu từ năm 2008. Trong số đó, gần 100 là các công ty hoặc các quỹ đầu tư được nhà nước hậu thuẫn. Nhóm này thực hiện các giao dịch có tổng trị giá ít nhất 162 tỷ USD, tương đương 63% tổng giá trị giao dịch được báo cáo.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay: "Không hề có những thoả thuận ngầm, tất cả mọi thứ đều minh bạch. Không xảy ra tình trạng ‘tất cả thuộc về kẻ chiến thắng’, các dự án đều mang lại kết quả ‘đôi bên cùng có lợi."



DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ