Thời gian gần đây, những ngôi nhà được bán với giá 500 hay 1.000 USD đăng tải trên báo chí Việt Nam rất phổ biến tại Mỹ. Từ câu chuyện doanh nhân Phạm Đình Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS) mua lại thị trấn Buford (Mỹ) cho thấy, người Việt đang ấp ủ nhiều dự định mua bất động sản (BĐS) ở Mỹ và nhiều nước khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không am hiểu luật pháp của Mỹ, nhà đầu tư có thể bị mất cơ hội và... mắc cạn.
Phạm Đình Nguyên, ông chủ mới và là tân thị trưởng thị trấn Buford nhỏ nhất nước Mỹ
Sỏ hữu một thị trấn của Mỹ chỉ với giá 900.000 USD
Tình cờ ông Phạm Đình Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS) đọc được bản tin rao đấu giá thị trấn “nhỏ nhất nước Mỹ” Buford trên VnExpress.net với giá khởi điểm là 100.000 USD nên bắt đầu quan tâm.
Đầu tiên, ông Nguyên phải xin visa vào Mỹ. Sau khi điền mẫu đơn trên mạng, ông xin hẹn phỏng vấn. Lịch hẹn chỉ có thể từ ngày 15-4, trong khi ngày đấu giá là 5-4. Coi như thua, ông định sẽ đấu giá trên mạng, thay vì phải đi đến đó. Tuy nhiên, ông cũng viết email xin phỏng vấn gấp mà chẳng có hy vọng gì. Chỉ 4 tiếng sau, Đại sứ quán Mỹ trả lời là ông Nguyên có thể được phỏng vấn bất cứ lúc nào vào tuần sau.
Đón ông Nguyên ở sân bay Cheyenne là người đại diện của ông, cô Rosie Weston. Còn công ty tổ chức đấu giá là Williams & Williams, có trụ sở ở bang Oklahoma. Theo quy định, hãng đấu giá này sẽ tính thêm 3% chi phí môi giới đối với người mua. Họ sẽ trích một nửa (1,5%) cho công ty đại diện người mua (cô Rosie).
Sáng hôm sau, ông Nguyên cùng người đại diện Rosie đi đến Buford, cách Cheyenne khoảng 60 km. Hôm đó cũng là ngày mà khách đấu giá được vào xem. Một người bảo vệ được hãng đấu giá thuê đã có mặt ở đó để mở cửa cho họ vào, vì ông Don Sammons (chủ thị trấn) đã không còn ở đây từ tháng Giêng năm nay. Nghe nói, ông đã dọn nhà sang bang Colorado, giáp với Wyoming.
Trong cửa hàng tiện lợi bán rất nhiều mặt hàng, chủ yếu là nhắm đến những khách vãng lai lái xe xuyên bang hoặc một cư dân sống ở những thị trấn gần bên. Họ đến đổ xăng, uống một cốc cà phê nóng, mua một ít thức ăn cũng như đồ lặt vặt. Tại đây còn bán những chiếc áo thun hoặc chiếc cốc lưu niệm “Buford: thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ”.
Ngay buổi sáng hôm đấu giá, các Đài truyền hình lớn như CNN, CBS đã đưa tin về cuộc đấu giá báo hiệu một ngày bận rộn của báo chí. Theo quy định, nếu đấu giá online thì người đấu giá sẽ phải đóng tiền đặt cọc 50.000 USD trước buổi đấu giá. Còn đấu giá tại chỗ, thì người đấu giá thắng cuộc buộc phải đặt cọc 10% ngay sau khi thông báo thắng cuộc. Họ sẽ viết liền cái cheque và trao ngay cho hãng đấu giá và hoàn tất thông toán sau 30 ngày.
Cuộc đấu giá diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 11 phút. Người chủ trì liên tục đưa ra giá, và nếu ai đồng ý tham gia thì đưa thẻ màu vàng lên. Đầu tiên, mức giá mỗi lần nâng lên là 50.000 USD, sau đó càng về sau giảm xuống, thấp nhất là 10.000 USD. Người xướng giá liên tục đọc thông tin về giá đang đấu làm cho cuộc đấu giá rất sôi động. Đó cũng là lý do mà hầu hết những cuộc đấu giá chỉ gói gọn trong 3 phút.
Khi giá được nâng lên 750.000 USD, chỉ còn có ông Nguyên và một người đấu giá trên mạng. Và khi lên đến 900.000 USD thì ông Nguyên là người chiến thắng. Lúc đó, người chủ trì đấu giá đã bước về phía ông Nguyên và hét lớn “Chúc mừng!”.
Sau khi ông Nguyên thắng cuộc, chỉ có ông Don Sammons và đại diện Williams & Williams, cô Rosie Weston (đại diện cho ông Nguyên) ở lại để trả lời báo chí.
Ông Nguyên được Ban tổ chức nhanh chóng đưa vào trong cửa hàng để tránh tiếp xúc với báo chí. Do có nhiều phóng viên bên ngoài nên ông Nguyên đã được 4 bảo vệ “áp tải” bí mật dẫn ra cửa sau của cửa hàng, leo qua hàng rào thấp và nhanh chóng lên xe về khách sạn.
Nhiều độc giả cho rằng, số tiền 900.000 USD để đổi lấy Buford của ông Nguyên là bị “hớ”. Vài người cũng “đoán già đoán non” về mục đích sử dụng Buford sắp tới của chủ nhân người Việt. “Trừ trạm xăng và cửa hàng tiện ích là đáng giá. Có vẻ như họ đã trả một mức giá quá cao để có được bất động sản này”, độc giả TexasRedNeck bình luận trên tờ Daily Mail. “Sammons gặp may rồi. Thị trấn đó chỉ là một nơi tồi tệ nằm bên một con đường bị đóng cửa khoảng một nửa thời gian mỗi năm. Có thể chủ mới sẽ xây một khách sạn để phục vụ các tay lái xe bị mắc kẹt chăng?”, một độc giả viết trên trang CNN. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng, mức giá 900.000 USD để có được Bufford là giá “hời”, cũng có người cho rằng: “900.000 USD. Một mức giá nhỏ để có được một nơi đẹp đẽ bên đường Interstate 80. Nơi này có thể xây được một siêu thị”. Trong khi đó, có nhiều người lại cho rằng BĐS ở Mỹ nhiều nơi rẻ hơn ở Việt Nam, nhiều người Việt Nam dễ dàng mua được một căn nhà ở Mỹ hơn là ở Việt Nam.
Còn ông chủ của thị trấn Buford Phạm Đình Nguyên cho biết: “Ý tưởng mua một thị trấn chỉ mới cách đây không đầy hai tuần khi tôi tình cờ đọc được tin trên báo mạng. Thành thật mà nói, tôi chưa có một kế hoạch cụ thể nào cho thị trấn này. Nhưng một điều tôi nghĩ người Việt Nam chúng ta không nên tự ti. Không có gì là không thể!”.
Nhà đất rao bán với giá... 500 USD (10 triệu đồng)
Thông tin nhà đất ở Mỹ giá rẻ, thậm chí trên mạng còn đưa tin chỉ với 500 USD (tương đương với hơn 10 triệu đồng) có thể mua được căn hộ hai phòng ngủ, một phòng khách tại một bang của Mỹ. Thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư BĐS “sốt sình sịch” muốn tìm cơ hội đầu tư sang “giấc mơ Mỹ”.
Câu chuyện của chị Thái Hà (một giảng viên của Trường ĐH Hà Nội), sau một chuyến tu sinh tại Mỹ, cũng mơ ước một ngày không xa sẽ mua được nhà bên Mỹ với khoản tiền tiết kiệm 35 triệu đồng. “Tôi có 35 triệu đồng gửi tiết kiệm, nếu ở Việt Nam thì bằng ấy tiền không thể mua nổi 1 chiếc xe máy tay ga loại xịn 1 tí, chứ mơ gì đến việc mua nhà. Nhưng nếu ở Mỹ có thể mua được hơn 2 căn hộ kha khá đấy” - chị Hà kể rất vui. Câu chuyện có vẻ hài hước này của chị Hà đã phần nào phản ánh một nghịch lý khi nhà đất ở Việt Nam dù có hạ nhưng vẫn còn cao ngất ngưởng, người dân có thu nhập trung bình không bao giờ mơ tới.
“Trói” nhà đầu tư bằng luật
Theo nhận định của các chuyên gia BĐS trên thế giới, không phải khi giá nhà đất xuống thấp ở Mỹ mới xuất hiện những căn hộ giá rẻ. Ngay cả thời BĐS đắt đỏ nhất, nhà đất của Mỹ vẫn có những căn hộ giá rẻ đến kinh ngạc, so với giá ở Việt Nam thì rẻ hơn khá nhiều. Tuy nhiên, mức giá rẻ này lại thực sự không hấp dẫn người định cư tại Mỹ, vì quy định của luật pháp nước này rất rõ ràng. Mỗi gia đình chỉ được mua một căn hộ để ở còn mua căn nhà thứ hai được tính vào diện đầu tư nên thuế cao hơn và tiền vay ngân hàng cũng chịu lãi suất cao hơn nhiều lần. Vì thế, nhiều người muốn mua căn hộ mới thì phải bán được nhà cũ để được hưởng sự ưu đãi của chính sách nên những căn hộ rao bán giá rẻ cực sốc là khi chủ nhân muốn “rảnh nợ”.
Khi không hiểu rõ quy định khắt khe của luật, nhà đầu tư (cả ở nước bản địa - Mỹ và nước ngoài) mua nhà giá rẻ sẽ thất bại và không còn cơ hội đầu tư. Chẳng hạn, hàng năm tại Mỹ có rất nhiều quảng cáo bán nhà chỉ với giá... 1 USD. Thực chất đó là những ngôi nhà quá cũ, chủ nhà không được ở, cũng không được quyền đập bỏ, trong khi chi phí tu sửa lại quá lớn. Bởi vì theo luật pháp Mỹ, những ngôi nhà có tuổi đời từ 99 năm trở lên, nếu xuống cấp, chủ nhà không được ở, cũng không được phép tháo dỡ. Nếu tu sửa, thì phải giữ nguyên kiến trúc của ngôi nhà cổ. Số tiền tu sửa có thể lên đến 200.000 - 300.000 USD, thậm chí, có khi chi phí lên đến cả triệu USD, nên nhiều chủ nhà muốn bán khung nhà cũ cho người có nhu cầu để sử dụng miếng đất xây nhà mới.
Ngoài ra với người Việt Nam, những người buôn bán BĐS nếu muốn mua nhà đất tại Mỹ phải có xác nhận của Chính phủ, địa phương (tỉnh) về số tiền hợp pháp chuyển ra nước ngoài. Chuyện này là khó với người Việt vì đa phần số tiền chuyển ra nước ngoài đều không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Vì lẽ, để trốn thuế, người Việt thường bán giá 100 nhưng chỉ kê khai 5-10, nên tiền ấy chuyển qua nước ngoài vô tình thành tiền bất hợp pháp.
Theo cách trả lời báo chí của ông Phạm Đình Nguyên, để hoàn thành việc mua thị trấn Buford, sắp tới ông sẽ phải trả 800.000 USD. Nếu người thân của ông Nguyên ở bên Mỹ không có sẵn tiền mặt để cho vay thì ông phải xin giấy phép đầu tư trong vòng 30 ngày để còn kịp chuyển tiền.
Được biết, những người mua được nhà tại Mỹ đa số chuyển tiền “chui” hoặc lách dưới hình thức hỗ trợ người thân nhưng khoản tiền chuyển đi rất nhỏ, không thể lên đến bằng giá trị BĐS. Còn chuyển tiền qua hệ thống chuyển tiền “chui” thì cũng khó hợp thức hóa được nguồn tiền này trong tài khoản tại Mỹ (mua bán BĐS phải thông toán qua tài khoản), nếu không chứng minh được nguồn gốc tiền, số tiền này có thể bị tịch thu vì Mỹ đã có Luật Chống rửa tiền.
Vì những lẽ trên thiết nghĩ, nếu người Việt muốn đầu tư BĐS tại Mỹ phải tìm hiểu thật kỹ luật pháp.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: