Top

Kinh tế Mỹ: Trông chờ vào nhà đất

Cập nhật 05/12/2011 09:10


Khác hẳn với tính chất đầu cơ và bong bóng ở các thị trường mới nổi, sự hồi phục của thị trường nhà đất Mỹ được xem là có tính quyết định đối với sự phục hồi bền bững của nền kinh tế.
Không đến nỗi quá tệ!

Vì sao thị trường chứng khoán Mỹ lại không sụp đổ cùng với những tin tức quá xấu về sự sụp đổ gần như không tránh khỏi của đồng Euro?


Đó là một nghịch lý khó có thể diễn giải, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu nào kết thúc rõ rệt. Hy Lạp được xem là một con bệnh đặc biệt, chỉ có thể kéo dài sự sống bằng biện pháp hô hấp nhân tạo, hơn nữa biện pháp này cũng chưa biết sẽ có tác dụng được bao lâu.

Còn căn bệnh ung thư ở Ý và Tây Ban Nha lại đang dần chuyển biến sang dạng cấp tính, mà nếu chỉ có những cuộc cách mạng về chính trị ở hai quốc gia này thì hoàn toàn chưa đủ để ngăn chặn ung thư tái phát.

Hai nền kinh tế lớn khác của châu Âu - Pháp và Anh - đang phải thắt lưng buộc bụng. Những ngày gần đây, giới bình luận đã nói một cách không úp mở về khả năng tái suy thoái của Anh và sự đe dọa không còn là tiềm ẩn từ nợ công của Pháp.

Thế nhưng bất chấp tất cả mọi tin tức từ bi quan đến cực xấu, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn kiên nhẫn kéo ngang trong suốt khoảng thời gian từ tháng 8/2011 đến nay. Rõ ràng đã không có hiện tượng Dow Jones lao dốc, như đã từng như thế trước tháng 8.

Phụ họa cho chỉ số chứng khoán là giá dầu thế giới vẫn lặng lẽ chinh phục mốc 100 USD/thùng, và duy trì chân đứng này khá vững chãi. Điều đó cũng cho thấy nhu cầu tiêu thụ năng lượng của các ngành sản xuất tại Mỹ và châu Âu chưa rơi vào trạng thái quá đình đốn như nhiều người vẫn thường mường tượng trước đây.

Vào cuối tháng 11/2011, Ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ đã trở thành tổ chức đầu tiên định lượng hóa dự báo cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2012 và vài năm sau đó. Nhìn chung, tất cả không quá tệ.

Theo Morgan Stanley, tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ không thực sự khởi sắc cho đến năm 2014. Năm 2012, GDP Mỹ sẽ tăng 2,2%, năm 2013 là 1,8%. Tương tự, mức tăng tiêu dùng cá nhân năm 2012 là 1,9% và năm 2013 là 1,4% - thấp hơn mức 2,3% của năm 2011.

Tình hình chi tiêu của doanh nghiệp cũng không khác với tiêu dùng cá nhân. Nếu năm 2011, mức tăng trưởng chi tiêu doanh nghiệp đạt 8,7%, thì hai năm 2012 và 2013 chỉ còn lần lượt là 6,9% và 5,3%. Những biến động như thế sẽ nằm trong bối cảnh chỉ số CPI của Mỹ giảm từ 3,2% năm 2011 xuống còn 2,1% năm 2012 và 1,8% năm 2013.

Với đường biểu diễn của khá nhiều chỉ số trượt dần trong hai năm tới, tỷ lệ thất nghiệp cũng không giảm hơn được, mà vẫn duy trì ở mức 8,9-9%. Bên cạnh đó, nợ công của Mỹ sẽ có thể vượt qua tỷ lệ 100% GDP, trở thành một gánh nặng cho đất nước này.

Những dự báo của Morgan Stanley đã thể hiện một cái nhìn hoàn toàn không tô hồng theo cách mà những nền chính trị mị dân thường cố gắng biểu hiện. Thậm chí đối với giới đầu tư trong những lĩnh vực "nhạy cảm" như chứng khoán và vàng, cái nhìn này còn nghiêng sang hướng bi quan hơi thái quá.

Tuy vậy, cách đánh giá và dự báo của Morgan Stanley lại phù hợp với những gì mà người ta đang tiên cảm về tương lai của nền kinh tế Anh. Martin Weale - nhà hoạch định chính sách Ngân hàng Trung ương Anh thuộc Ủy ban chính sách tiền tệ Anh - nhận định nền kinh tế Anh phải mất đến 5,5 năm nữa mới hồi phục như trước khủng hoảng. Còn hiện giờ, nền kinh tế này đang hồi phục chậm ở mức khác thường và có thể sắp tới cần nới lỏng định lượng hơn nữa. Trong một bài phát biểu, ông cho biết cuộc suy thoái lần này diễn ra lâu nhất kể từ những năm 1920. Ngân hàng Trung ương cũng dự đoán, phải tới năm 2013, sản lượng của Anh mới trở lại mức của năm 2008.

Nếu dự báo của Martin Weale là đúng, phải đến năm 2016 nền kinh tế Anh mới thoát khỏi vũng lầy suy thoái. Mà Anh lại là một trong những nền kinh tế lớn nhất của châu Âu. Điều đó cũng có nghĩa là ngoại trừ Đức với tư cách là đầu tàu, Nga đang trở thành một ngoại lệ ở khu vực Đông Âu, còn lại các quốc gia như Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha đều có thể tiếp tục tình trạng đình trệ trong ít ra vài ba năm tớ.

Thị trường đầu tiên thoát suy thoái?

Tuy nhiên, những dự báo trên vẫn còn tốt hơn rất nhiều lần nếu so sánh với dự báo về một cuộc khủng hoảng toàn diện mà có thể nhấn chìm cả châu Âu lẫn Mỹ vào vòng xoáy điên loạn.

Một thông tin được xem là tốt lành mà Morgan Stanley dự báo cho hai năm 2012-2013 là mức tăng trưởng đầu tư vào thị trường nhà ở Mỹ sẽ tăng lần lượt là 1,7% và 3,4%. Cần ghi nhận là các mức tăng này sẽ khả quan hơn hẳn so với mức tăng dự kiến trong năm 2011 là -2,1%.

Thật vậy, theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán nhà mới tháng 10/2011 tăng 1,3% lên mức 307.000 căn tính theo trung bình năm, tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 tháng. Khá trái ngược, nguồn cung nhà rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 4/2010.

Biến động gần nhất như trên của thị trường nhà đất Mỹ đang tạo ra hy vọng khấp khởi cho giới đầu tư của quốc gia này về một tương lai phục hồi, dù rằng tương lai này có thể sẽ diễn ra khá muộn màng.

Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, thị trường nhà đất Mỹ đã gánh chịu đợt suy giảm đến 40% về giá và kéo dài cạnh dưới của chữ L trong 4 năm qua. Khác với thời điểm hồi phục sớm hơn của các thị trường nhà ở tại Berlin, London và Paris, giá nhà tại nhiều bang của Mỹ đang được xem là khá hấp dẫn để mua ở cũng như mua để đầu tư.

Cũng chính vì hiện trạng trên mà tại một số bang của Mỹ, người Trung Quốc đang đứng đầu bảng về lượng khách hàng mua sắm nhà. Gần tương tự, trong giới nhà giàu ở Việt Nam từ lâu nay đã lan truyền tâm lý, và thực tế đã biểu hiện thành hành động, về chuyện bán một căn nhà ở Việt Nam có thể mua được hai căn nhà ở Mỹ.

Khác hẳn với tính chất đầu cơ sốc nổi trong thị trường bất động sản tại một số quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tính chất hồi phục của thị trường nhà đất Mỹ được xem là có tính quyết định đối với sự phục hồi bền bững của nền kinh tế nước này.

Cho tới giờ, đã có thể tạm kết luận về khả năng nền kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn quá độ, nhưng là quá độ của suy thoái chứ chưa phải là quá dộ của khủng hoảng.

Nếu mọi chuyện diễn ra theo quy luật xa nhất về quá khứ là giai đoạn suy thoái kép năm 1937-1938, nền kinh tế Mỹ cũng có thể kéo dài chu kỳ suy thoái nhẹ trong khoảng 1 năm, từ tháng 5/2011 đến tháng 5/2012.

Một điểm đáng lưu ý là trong gần 4 tháng qua, đường biểu diễn của chỉ số chứng khoán Mỹ khá tương đồng với giai đoạn 2005, tức biểu thị sự đi ngang với những pha lên xuống thất thường, nhưng nhìn chung không bị giảm sút quá mạnh so với đỉnh phục hồi gần nhất.

Giá vàng thế giới vẫn có xu hướng trượt giảm, trong khi một số tín hiệu phục hồi đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường nhà đất Mỹ, còn chứng khoán thì chạy ngang. Những hình ảnh không tương đồng này đang giúp cho người dân tại các nước phát triển tiếp tục duy trì tâm trạng hồi hộp về một tương lai tái tăng trưởng sau suy thái có thể đến từ giữa năm 2012.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF