Top

Căn penthouse 238 triệu USD hiếm khi được ở và hố sâu giàu nghèo ở Mỹ

Cập nhật 30/01/2019 08:00

Thương vụ mua căn hộ đắt giá nhất lịch sử của nhà tài phiệt Griffin cho thấy xung đột tầng lớp ở New York, nơi người giàu vung tiền mua nhà còn người bình dân chật vật tìm chỗ ở.

Ở Manhattan, nơi việc buôn bán các dự án bất động sản hàng triệu USD là hết sức bình thường, một ông trùm quỹ đầu cơ đã thiết lập tầm cao mới khi trả một số tiền lớn cho căn hộ áp mái chưa hoàn thành.

Theo New York Times, tỷ phú Kenneth C. Griffin đã chi 238 triệu USD cho căn "penthouse" tại 220 Central Park South đang được xây dựng, khiến nó trở thành vụ mua bán căn hộ đắt nhất trong lịch sử Mỹ.

Tòa nhà 79 tầng nơi có căn hộ của ông Griffin được xây dựng sau khi chủ đất đuổi hàng chục người thuê nhà trung lưu ra khỏi tòa nhà gạch trắng khiêm tốn cao 20 tầng.

                                   
Tòa nhà 220 Central Park South, nhìn từ Columbus Circle ở Manhattan, New York, Mỹ. Ảnh: New York Times.

Không ngại phô trương

Với tài sản ròng ước tính khoảng 10 tỷ USD, ông Griffin, người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty đầu tư toàn cầu Citadel, là một trong những người giàu nhất thế giới.

Những năm gần đây, ông Griffin không ngại phô trương sự giàu có của mình, ném tiền vào nghệ thuật đương đại, từ thiện và bất động sản cao cấp, ngay cả khi bất bình đẳng thu nhập đang là chủ đề gây tranh cãi của chính trị quốc gia.

Từng hai lần ly dị, ông Griffin, 50 tuổi, có ba người con và chủ yếu sống tại Chicago, nơi Citadel đặt trụ sở chính. Ông mua nhà ở khắp nơi, từ căn penthouse trị giá 60 triệu USD ở Miami đến biệt thự trị giá 122 triệu USD ở London.

Một số nguồn tin cho biết ông đã chi khoảng 700 triệu USD cho bất động sản và số tiền kém hơn đôi chút cho nghệ thuật.

Ông bắt đầu sưu tầm nghệ thuật hơn một thập kỷ trước với các tác phẩm của Cézanne và Monet. Năm 2006, ông đã chi 80 triệu USD cho bức tranh của Jasper Johns. Năm 2016, Griffin đã trả 500 triệu USD để có được hai bức tranh Jackson Pollock và Willem de Kooning. Đây là một trong những thỏa thuận nghệ thuật tư nhân lớn nhất.
                                   
Kenneth Griffin đã chi 238 triệu USD cho căn penthouse tại 220 Central Park South vẫn đang được xây dựng. Ảnh: Reuters.

Griffin từ chối tham gia cùng các tỷ phú khác trong thỏa thuận quyên góp phần lớn tài sản của họ cho từ thiện. Được lập bởi vợ chồng Bill Gates và Warren Buffett vào năm 2010, Giving Pledge có hơn 150 người đăng ký. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết ông Griffin đã quyên góp khoảng 700 triệu USD.

Ông ở trong hội đồng quản trị của Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney, nơi đặt tên cho sảnh của tòa nhà mới theo tên ông. Ông đã quyên góp 40 triệu USD cho Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại.

Griffin và vợ cũ đã quyên tặng 19 triệu USD cho Viện nghệ thuật Chicago. Tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field ở Chicago, ông đã quyên góp 16,5 triệu USD để tài trợ cho việc mua mô hình phục dựng Patagotitan, con khủng long lớn nhất từng được phát hiện.

Ông Griffin cũng quyên góp một khoản tiền lớn cho các tổ chức giáo dục. Năm 2014, ông đã trao 150 triệu USD cho Đại học Harvard, món quà lớn nhất trong lịch sử của trường tính đến thời điểm đó.

Năm 2017, tổ chức từ thiện của ông Griffin cho biết sẽ quyên góp 125 triệu USD cho Đại học Chicago, nơi sẽ đổi tên khoa kinh tế theo tên ông. Gần đây, Griffin đã hướng sự chú ý sang bất động sản.

Lạc lõng giữa phong trào dân túy

Các nhà tài chính cho biết ông Griffin nên được hoan nghênh vì lòng từ thiện của mình thay vì bị chỉ trích vì chi tiêu.

"Điều quan trọng nhất là ông ấy đang cư xử hào phóng. Ông ấy là hình mẫu cho thế hệ các nhà quản lý quỹ phòng hộ tiếp theo", John W. Rogers Jr., giám đốc điều hành của Ariel Investments, người phục vụ trong hội đồng quản trị của Đại học Chicago cùng với ông Griffin, nói với New York Times.

Ông Griffin nói nguồn cảm hứng cho hoạt động từ thiện của mình đến từ ông bà ngoại. Họ điều hành một doanh nghiệp dầu nhiên liệu ở Illinois. Khi một số khách hàng không thể thanh toán hóa đơn trong mùa đông, ông bà của Griffin sẽ gia hạn tín dụng cho họ.

Tốt nghiệp Đại học Harvard, ông Griffin làm giàu nhờ ngành tài chính. Năm 1987, khi còn là sinh viên năm hai, ông đã bắt đầu giao dịch từ phòng ký túc xá của mình bằng máy fax, máy tính cá nhân và điện thoại. Chỉ ba năm sau, ông thành lập Citadel ở Chicago.

Công ty đã phát triển nhanh chóng và hiện quản lý khoảng 28 tỷ USD, cổ phiếu giao dịch, thu nhập cố định, hàng hóa và nhiều tài sản khác.
                                   
Ngoài căn hộ penthouse mới ở thành phố New York, Griffin còn sở hữu nhiều bất động sản khác, bao gồm căn penthouse trị giá 60 triệu USD tại Faena House ở Miami. Ảnh: Bloomberg.

Ông tỏ ra lão luyện trong việc kiếm lợi nhuận ngay cả trong lúc thị trường hỗn loạn. Năm ngoái, quỹ hàng đầu của Citadel đã tăng 9,1% bất chấp tình hình khó khăn. Chỉ riêng trong năm 2017, Griffin đã kiếm được khoảng 1,4 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ nhà quản lý quỹ phòng hộ nào khác, theo tạp chí Instoryal Investor Invest Alpha.

Các ông trùm Phố Wall dường như đang độc chiếm New York. Rìa phía nam của Công viên Trung tâm đã mọc lên nhiều tòa nhà dân cư siêu giàu đến nỗi nó được đặt biệt danh là "Dãy nhà Tỷ phú".

Các nhà phê bình cho rằng sự chi tiêu phóng túng của ông Griffin giữa lúc phong trào dân túy nổi lên trên toàn cầu chẳng khác nào sự lạc điệu.

"Việc các nhà tài phiệt không ngại phô trương sự giàu có của mình đã khiến công chúng phẫn nộ. Họ cho thấy nhận thức rất kém về những gì mọi người đang trải qua", Anand Giridharadas, tác giả của cuốn “Winners Take All", (Tạm dịch: "Được ăn cả"), nhận xét.

Thuế của người giàu

Hôm 24/1, các cố vấn kinh tế cho Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người đang tranh cử tổng thống, nói rằng bà sẽ đề xuất giới thiệu một loại thuế mới cho những người giàu nhất nước Mỹ.

Thị trưởng Bill de Blasio từ lâu đã thúc đẩy thuế đối với các triệu phú nhưng các nhà lập pháp ở Albany không ủng hộ kế hoạch này. Hôm 24/1, ông kêu gọi mở rộng thuế với biệt thự.

Hiện tại, những người mua nhà với giá từ 1 triệu USD trở lên bắt buộc phải trả thuế 1%. Thị trưởng cho biết cần phải điều chỉnh thuế để nhắm vào các thương vụ có giá trị cao, tạo thêm doanh thu có thể được sử dụng để xây dựng nhà ở giá rẻ.

Theo Bộ Phát triển Nhà và Đô thị, số người vô gia cư tại New York đã đạt tới con số kỷ lục 79.000 người. Hầu hết bị mắc kẹt bởi lương thấp và giá thuê nhà ngoài tầm với.

Hàng trăm nghìn người trong danh sách chờ để có một căn hộ của chính quyền trong khi cơ quan quản lý nhà ở của thành phố đang vật lộn để duy trì tổ hợp các tòa nhà xuống cấp.

Thị trưởng New York đã mạnh mẽ chỉ trích việc cắt giảm thuế của ông Trump đối với các tập đoàn và những người giàu. Griffin cũng từng đặt câu hỏi về việc cắt giảm thuế của Trump vào năm 2017. Ông cho rằng nó có phần thái quá so với mục tiêu kích thích nền kinh tế.

Griffin từng nổi tiếng trong cộng đồng siêu giàu vì hoạt động từ thiện và thành tựu trong giới tài chính. Tuy nhiên, hiện tại, người ta chỉ nhắc tới ông qua thương vụ căn hộ áp mái đắt giá.

Tòa nhà cũ nơi căn hộ được xây dựng đã gần như bị phá hủy vào năm 2013. Các cư dân ở đây lần đầu nhận được thông báo di dời vào năm 2006. Một nhóm cư dân đã quyết định bám trụ càng lâu càng tốt và đi kiện để được ở lại. Tuy nhiên, tất cả đã được dàn xếp với số tiền không được tiết lộ.

Connie Collins, một cựu phóng viên truyền hình từng làm việc tại WNBC, là một trong những người tìm cách ở lại. Bà sẽ nhớ những màn pháo hoa trong ngày Lễ Quốc khánh 4/7 từ sân thượng trên tầng 12 của mình sau khi rời đi.

Bà chuyển đến căn hộ hai phòng ngủ ở đây vào năm 2008 và trả 2.000 USD một tháng cho tiền thuê nhà. "Đó là khoảng thời gian tuyệt vời, khi mọi thứ còn có thể chi trả được", bà nói.


Diaoconline.vn – Theo Zing