Top

Thị trường nhà đất nín thở chờ... thuế

Cập nhật 24/09/2009 08:15

Giao dịch bất động sản đang chựng lại chờ chính sách thuế rõ ràng  - Ảnh: H.T.V.

Gần hai tuần nay, sau khi có thông tin về việc triển khai thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hoạt động chuyển nhượng hợp đồng góp vốn, giao dịch nhà đất tại hầu hết các dự án đất nền và căn hộ tại TP.HCM gần như “tê liệt”.

Chính sách thuế không rõ ràng, vì thế nhà đầu tư và chủ dự án bất động sản chọn giải pháp chờ cho đến khi thị trường chấp nhận các chính sách hợp lý.

Chào bán tăng mạnh

Thông tin từ chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Him Lam - Kênh Tẻ (Q.7, TP.HCM) cho biết trong nửa tháng qua, không có khách hàng nào đến công ty để giao dịch cũng như làm thủ tục sang tên cho nhà đầu tư mới. Khu vực này là một trong những dự án đất nền có thanh khoản cao nhất thời gian qua, bình quân mỗi tháng công ty phải làm thủ tục sang tên cho 30-40 hợp đồng chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư.

Tương tự, tại các khu vực Nhà Bè, Q.2 và Q.9, những địa bàn từng có hoạt động giao dịch đất nền khá sôi động trong nửa đầu năm nay hiện cũng rơi vào cảnh “đóng băng”. Ông Nguyễn Xuân Lộc - trưởng văn phòng đại diện của Công ty Vinaland tại Q.2 - cho biết tại các sàn bất động sản, lượng khách đăng ký bán tăng 10-20% trong khi người mua giảm hẳn. “Các giao dịch nhà lẻ vẫn diễn ra bình thường, còn giao dịch đất nền gần như vắng bóng, ngay khách đến tìm hiểu cũng thưa dần” - ông Lộc nói.
 

Tiền bất động sản đổ sang chứng khoán

Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 23-9, tổng giá trị giao dịch khớp lệnh của cả hai sàn đạt 6.650 tỉ đồng, trong đó sàn TP.HCM hơn 4.436 tỉ đồng.

Bình luận về dòng tiền đổ mạnh vào chứng khoán trong thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng bên cạnh nguồn vốn tín dụng thông qua đòn bẩy tài chính, một dòng vốn khá lớn của kênh bất động sản đã chuyển vào chứng khoán.

“Trong thời gian nghe ngóng phản ứng của thị trường khi áp dụng thuế thu nhập cá nhân với hoạt động chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua bất động sản, nhà đầu cơ bất động sản có tiềm lực vốn lớn đã chuyển nguồn tiền này sang kênh chứng khoán...” - một chuyên gia nói.

Trong khi đó, theo các sàn giao dịch bất động sản, hoạt động mua bán căn hộ, đặc biệt là căn hộ cao cấp, cũng... “lạnh tanh”. Ông Phạm Văn Hải - giám đốc sàn giao dịch bất động sản ACBR - cho biết giao dịch căn hộ chỉ diễn ra một số ít ở các dự án có giá trung bình và khách hàng chủ yếu mua để ở, vì thế không quá quan tâm đến chuyện phải nộp thuế.

“Nhà đầu tư căn hộ cũng đang nghe ngóng, không một nhà đầu tư nào dám bỏ vốn ra do lo ngại rủi ro thuế” - giám đốc một công ty bất động sản lớn tại quận 1 nói. Theo các chuyên gia bất động sản, hầu hết bất động sản ở khu vực mới quy hoạch đều chưa có chủ quyền, còn ở dạng hợp đồng góp vốn, vì thế việc thu thuế bất động sản hợp đồng góp vốn đã ảnh hưởng lớn đến giao dịch trên thị trường và cần phải có thời gian để thị trường quen với giao dịch phải đóng thuế.

Chủ dự án hồi hộp


Không chỉ khách hàng, bản thân các chủ đầu tư cũng khá bối rối, trong đó nhiều chủ đầu tư dự án đất nền cũng như căn hộ đã công bố tạm ngừng thực hiện việc chuyển tên đối với các hợp đồng chuyển nhượng quyền góp vốn. Lý do, theo một chủ đầu tư dự án đất nền khu dân cư tại Q.2, phải chờ có hướng dẫn cụ thể hơn về phương thức thu thuế, thu 2% trên tổng giá trị hợp đồng hay 25% trên chênh lệch giữa giá mua và giá bán.

Mặt khác, chủ dự án cũng dừng làm thủ tục chuyển nhượng hợp đồng vì không rõ việc thu thuế được áp dụng từ ngày nào: 1-1-2009 hay từ 26-9.

Trong khi đó, hiện hầu hết các cá nhân có nhu cầu phải chuyển tên hợp đồng góp vốn trong thời gian này đều không có kèm theo chứng từ đã nộp thuế. Nếu chủ dự án chấp nhận cho làm thủ tục đổi tên trên hợp đồng mà không có hóa đơn thuế, sau này cơ quan thuế yêu cầu phải thu thuế từ 1-1-2009 thì chủ dự án sẽ lãnh đủ.

Một số công ty cũng lo vì trước đây đã tạm thu hộ cho ngành thuế khoản 2% trên tổng giao dịch. “Nếu ngành thuế thu 25% trên tổng chênh lệch giá mua và giá bán của những giao dịch này, khi đó số thuế phải nộp có thể cao hơn số đã tạm thu thì các công ty cũng không thể đòi ngược trở lại của nhà đầu tư” - đại diện một chủ dự án nói.

Giám đốc một công ty bất động sản cho biết theo hướng dẫn của Cục Thuế TP.HCM, khi thực hiện sang tên hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư phải tiến hành thanh lý đối với hợp đồng cũ và làm lại hợp đồng mới. Nhưng chủ đầu tư dự án lại không biết phải ghi giá giao dịch trên hợp đồng được ký lại như thế nào.

Nếu ghi theo giá ban đầu do công ty bán ra thì người mua mới sẽ không chấp nhận. Còn ghi theo giá mua lại cũng không ổn, khi đó lại khó cho chủ dự án vì liên quan đến thuế giá trị gia tăng. Khi phát sinh khoản chênh lệch giữa giá cũ và giá mới sẽ kéo theo khoản chênh lệch về thuế giá trị gia tăng. Ví dụ hợp đồng ban đầu có giá trị là 2 tỉ đồng, tiền thuế giá trị gia tăng sẽ khác với hợp đồng đã ký lại có giá là 2,5 tỉ đồng.

Văn bản hướng dẫn đang chờ ban hành

Đến cuối giờ chiều 23-9, các chi cục thuế địa phương cho biết vẫn chưa nhận được hướng dẫn mới từ Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Trường hợp đến 26-9 chưa có hướng dẫn mới thì vẫn áp dụng theo công văn của Cục Thuế TP.HCM. Theo một nguồn tin từ Tổng cục Thuế, văn bản hướng dẫn đã hoàn thiện và chờ Bộ Tài chính ban hành.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO