Top

Luật thuế nhà, đất :

Có giảm nhiệt thị trường bất động sản ?

Cập nhật 27/05/2010 13:40

Thị trường BĐS đang “sốt lên sình sịch”. Giá BĐS tăng từng ngày. Chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, giá đất ở Hà Nội đã tăng từ 50 - 70%, đặc biệt ở các khu vực ngoại thành. Rất nhiều chuyên gia kỳ vọng vào vai trò điều tiết thị trường của Luật thuế nhà, đất chuẩn bị được đưa ra trình Quốc hội thông qua trong mấy ngày tới đây.


Cả DN, người dân đều mong Luật thuế nhà, đất như một công cụ giúp minh bạch hóa thị trường nhà đất

Ai cũng bảo nóng - lạnh là chuyện của thị trường. Tuy nhiên, sự tăng hay giảm nhiệt lại có vai trò vô cùng to lớn của các chính sách. Thuế là một trong những công cụ đóng vai trò hàng đầu điều tiết thị trường của mọi quốc gia. BĐS đang nóng quá mức bình thường. Dư luận xã hội đang rất kỳ vọng vào Luật Thuế nhà, đất được thông qua sẽ hạ nhiệt cơn sốt hơn 400 này.

Làm rõ chủ sở hữu


Theo dự thảo Luật Thuế nhà, đất, mức thuế sẽ được đánh luỹ tiến đối với phần diện tích vượt hạn mức sử dụng. Tuy nhiên, làm thế nào đề biết được vượt hạn mức sử dụng cũng là vấn đề nhiều người quan tâm. Thực tế hiện nay, việc mua bán BĐS, đặc biệt là đất diễn ra chủ yếu rất “chợ đen”. Người này bán cho người kia trên giấy viết tay (có thể có người làm chứng, UBND xã, phường chứng thực hoặc công chứng ở văn phòng luật sư...). Từ đó, để cơ quan quản lý biết được chủ đích thực của lô đất hay ngôi nhà này của ai là việc rất khó.

Theo LS Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Luật Basico, quan trọng nhất của luật thuế là phải xác định được quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu BĐS. Thuế đất cần đánh đúng vào chủ sở hữu đích thực. Nếu làm được việc này, thuế mới thu đúng, thu đủ được. Điều này cũng là tiền đề cho việc thu thuế thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng BĐS. Với việc thu 25% lợi nhuận từ việc chuyển quyền sử dụng BĐS như quy định hiện hành, thì việc thu đủ sẽ đóng góp một khoản ngân sách đáng kể. Chính vì vậy, việc minh bạch hoá thị trường “chợ đen” cũng là một trong những nhiệm vụ mà Luật Thuế nhà, đất có thể đặt ra.

Theo dự thảo luật, người đang sử dụng nhà, đất phải nộp thuế. Ông Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, nếu đất đang được cho người khác thuê sử dụng thì ai sẽ là người đóng thuế (người thuê hay người cho thuê)? Tương tự như vậy, nếu một cá nhân ký hợp đồng cho người khác thuê đất trong 20 năm để mở xưởng sản xuất, nay phải nộp thuế thì ai là người nộp ? Tất cả các điều này dự luật cần quy định rõ.

Luật cần cụ thể và thực tế


Luật Thuế nhà, đất là một đạo luật điều chỉnh một vấn đề rất phức tạp, quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của hàng chục triệu người nộp thuế, nhưng lại được viết quá ngắn gọn.

Theo LS Đức luật viết sơ sài, chung chung sẽ không đúng với đòi hỏi của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gây khó cho người nộp thuế. Chắc chắn sau này nghị định và thông tư hướng dẫn sẽ lại dài gấp hàng chục lần luật (cũng giống như tình trạng của các luật thuế khác). Người nộp thuế được quyền đòi hỏi chính đáng là sau khi đọc xong Luật Thuế nhà đất, có thể ước tính được số tiền mình phải đóng thuế. Nhưng theo Dự luật này thì không ai có thể hình dung rằng mình sẽ phải nộp bao nhiêu và nộp thế nào, vì hạn mức tính thuế, đơn giá tính thuế, hệ số tầng nhà... đều là những ẩn số. Người nộp thuế chỉ phỏng đoán rằng thuế sẽ tăng chứ không giảm, nhưng không thể biết sẽ phải nộp nhiều gấp mấy lần trước kia. Như vậy, quyền đánh thuế hay không đánh thuế và đánh thuế cao hay thấp không thật sự còn là của Quốc hội nữa, mà là của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Thực tế hiện nay, BĐS luôn là một trong các kênh đầu tư quan trọng của toàn xã hội. Gửi tiết kiệm, mua vàng hay ngoại tệ, đầu tư thị trường chứng khoán đều chưa phải là lựa chọn của đa số người dân.

LS Lê Nết - Giảng viên Trường Đại học Luật TP HCM cho rằng, đối với mục đích chống đầu cơ thì dự luật cần làm rõ là chống đầu cơ chứ không chống đầu tư vào thị trường BĐS. Theo ông Nết, thuế nhà, đất nên có phần đánh vào việc chuyển nhượng BĐS chứ không chỉ có mức thuế hằng năm trên đất đai. Bất kỳ một đạo luật nào được ban hành thì cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống xã hội. Luật Thuế nhà, đất được thông qua lại càng là một vấn đề khiến dư luận xã hội quan tâm vì nó tác động đến một lĩnh vực đang được nhắc đến mọi lúc, mọi nơi. Chính vì vậy, luật được ban hành cần sát thực tế hơi thở của cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Trường Tiến - Phó TGĐ TCty xây dựng Hà Nội, khi Quốc hội thông qua Luật Thuế nhà, đất cần căn cứ vào thực tế vận động và phát triển của xã hội nói chung và thị trường BĐS nói riêng. DN đang khổ vì phải thực hiện quá nhiều các thủ tục hành chính. Mỗi thủ tục hành chính là một cửa ải vô cùng vững chắc và dích dắc khó vượt qua. DN chỉ mong dự luật sẽ góp phần công khai, minh bạch hoá các thủ tục để mỗi người dân, tổ chức được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp