Các loại vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng, gạch… liên tục tăng giá trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến ngành xây dựng nói riêng và thị trường bất động sản (BĐS) nói chung.
Nhà thầu lao đao
Ông Nguyễn Đình Thiết, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho rằng, sự tăng giá vật liệu xây dựng và sự thắt chặt vốn vay từ các ngân hàng thương mại đã trở thành “cơn ác mộng” của các nhà thầu khi không có vốn để đổ vào các dự án, nhất là đối với dạng hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá.
Các nhà thầu xây dựng đang lo lắng về nguy cơ thất bại của các dự án vì sự leo thang của giá cả các mặt hàng vật liệu xây dựng, cũng như sức mua của khách hàng đã vượt quá khả năng dự báo, đánh giá của các cơ quan quản lý và ngay chính bản thân những doanh nghiệp (DN).
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại hiện chỉ cho vay tối đa là 10 năm. Mức dư nợ trong tổng dư nợ của ngân hàng dành cho BĐS thường khống chế tối đa khoảng 10%. Do vậy, nguồn vốn dành cho BĐS vẫn còn khan hiếm, nhà đầu tư sẽ còn vất vả trong việc tìm kiếm nguồn tài chính khi tín dụng cho vay BĐS vẫn bị thắt chặt.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Tư vấn công nghệ thiết bị và Kiểm định xây dựng Coninco, Ông Nguyễn Đình Đào cho rằng, thi công trong điều kiện các loại vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá 30 - 40%, ngân hàng siết chặt vốn vay, nhu cầu mua nhà của người dân cũng chững lại… không ít nhà thầu đã bỏ công trình khi việc thương lượng bù lỗ giá vật liệu xây dựng với chủ đầu tư bất thành. Chất lượng công trình bị giảm sút mà tệ hại hơn, nhiều nhà thầu đang có nguy cơ phá sản, kéo theo nguồn cung về các công trình nhà ở dân dụng bị kìm hãm. Điều này có thể gây ra một tác động dây chuyền đến thị trường BĐS.
Ông Đào lý giải rằng nhiều nhà thầu thi công xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản khi thiếu vốn và đang thực hiện nhiều hợp đồng xây dựng không điều chỉnh giá. Những công trình sử dụng vốn ngân sách thì việc chờ đợi Nhà nước cho phép chỉnh giá một cách cụ thể thường mất thời gian dài. “Nhiều nhà thầu trúng thầu đã bỏ vì giá nguyên vật liệu tăng cao khiến bị lỗ nặng khi tiếp tục thi công. Trong khi những công trình được điều chỉnh giá thì thủ tục điều chỉnh giá rất rườm rà. Vì vậy nhiều công trình thi công với tiến độ rất chậm do nhà thầu kìm hãm lại chờ điều chỉnh giá.”
Theo ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Bùi Gia một nhà thầu tại Hà Nội: Tình trạng thua lỗ của các công trình không được điều chỉnh vốn, hiện nay rất nhiều. Công ty TNHH Bùi Gia có 3 công trình lớn thì có nguy cơ thua lỗ. Khi ký hợp đồng giá thép chỉ có 8 triệu đồng/tấn nay là 15 triệu đồng/tấn, tăng gần gấp 2 lần mà lỗi không thuộc về nhà thầu, nhưng không được điều chỉnh giá thành ra có nguy cơ thua lỗ. Chúng tôi muốn vay vốn thì ngân hàng yêu cầu phải có tài sản bảo đảm, trong khi tình trạng pháp lý BĐS vẫn đang quá trình xây dựng và hoàn thiện nên không thể vay vốn để giải ngân cho các công trình.
Đó là chưa kể, giá nguyên vật liệu hiện đang là nỗi ám ảnh cho nhiều nhà xây dựng. Giá các mặt hàng vật liệu điện, gạch, gỗ lát và các trang thiết bị phục vụ thi công cũng đang đội giá từng ngày khiến các chủ đầu tư liên tục “toát mồ hôi”.
Giá vật liệu đang là nỗi ám ảnh cho nhiều nhà thầu xây dựng. Ảnh: Thu Hằng |
DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: