Sở Xây dựng TPHCM đang thống kê số lượng biệt thự cổ (chủ yếu xây dựng từ thời Pháp thuộc) trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND TPHCM. Sử dụng và bảo tồn những công trình cổ này, ở khu vực trung tâm - nơi tập trung nhiều biệt thự nhất, như thế nào đang được tư vấn Nhật nghiên cứu cùng lúc với việc lập quy hoạch chi tiết 1/2000 ở đây. Điều này có nghĩa là nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý các ngôi biệt thự cổ vẫn chỉ đang được cân nhắc, xem xét…
Biệt thự chuyển đổi công năng
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các kiến trúc biệt thự của TPHCM tập trung chủ yếu ở quận 1, quận 3, trong đó có nơi hợp thành từng khu như ở đường Tú Xương, đường Lê Quý Đôn… Hầu hết các biệt thự tại TPHCM đã được chuyển đổi công năng từ nhà ở sang trường học, nhà hàng, khách sạn hoặc văn phòng làm việc…
Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Phó phòng Quản lý khu trung tâm TP thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM nhận định, đây là quá trình tất yếu trong một đô thị đang phát triển mạnh mẽ như TPHCM. Đặc biệt, đối với khu trung tâm - nơi đất có giá trị rất cao, nếu chỉ để ở sẽ vô cùng xa xỉ. Hơn nữa, việc bảo tồn các biệt thự không có nghĩa là… bảo tàng hóa chúng. Chỉ có một số những công trình đặc biệt, có ý nghĩa văn hóa, lịch sử lớn, được các nhà chuyên môn thừa nhận như Văn phòng UBND TPHCM, Dinh Thống Nhất, Nhà hát TPHCM… mới phải gìn giữ nguyên trạng, đúng chức năng.
Các công trình khác trong đó có một số ngôi biệt thự ở quận 1, quận 3 và một số quận, huyện khác cũng sẽ được bảo tồn nhưng theo hướng làm cho chúng phù hợp hơn với thực tế. Tiêu chí này sẽ được xem xét cụ thể trong từng trường hợp. Sẽ có những ngôi biệt thự mà chủ nhân chỉ cần bảo tồn nguyên trạng mặt tiền, nội thất hoặc phía sau có thể xây mới. Chủ nhà cũng có thể được phép sửa chữa một phần mặt tiền cho phù hợp với công năng mới của công trình…
Ông Lý Khánh Tâm Thảo cho rằng, việc thay đổi công năng của biệt thự về nguyên tắc không sai luật bởi theo Thông tư 38/2009 về quản lý biệt thự trong đô thị của Bộ Xây dựng có quy định “biệt thự có thể là nhà ở hoặc nhà được dùng vào mục đích khác”.
Hạ tầng lại đứng im
Trong tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng, giao thông tại các khu vực có nhiều biệt thự được chuyển đổi công năng từ nhà ở sang trường học, nhà hàng, khách sạn… cũng trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. Các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe đưa đón con đi học của các phụ huynh, xe của thực khách tại các nhà hàng ở đây…thường xuyên chắn hết đường đi.
Ông Nguyễn Văn Chính, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu giao thông vận tải phía Nam nhận định, về nguyên tắc, khi cho phép biệt thự chuyển đổi công năng sang loại hình khác thu hút nhiều người đến sinh sống, làm việc hơn thì hệ thống hạ tầng cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp. Đơn cử, ngành chức năng có thể tính tới giải pháp đưa các phương tiện vận tải hành khách công cộng đến phục vụ nhu cầu đi lại tại đây thay vì để cho các phương tiện cá nhân hoạt động, đặc biệt là ô tô.
Với tư cách vừa là một kiến trúc sư vừa là giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, thạc sĩ Lương Hiền Chung cho rằng, chính chủ nhân các biệt thự đã được chuyển đổi công năng phải có trách nhiệm với hoạt động giao thông trong khu vực. Họ có thể tận dụng các khoảng sân trống trong biệt thự để làm nơi đậu xe cho khách.
Quan điểm của thạc sĩ Lương Hiền Chung là công năng của biệt thự có thể thay đổi nhưng không thay đổi kiến trúc bên ngoài của biệt thự. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông vì việc này sẽ không kéo thêm quá nhiều người vào như việc xóa sổ biệt thự thay vào đó là cao ốc.
Ở một góc độ khác, ông Lý Khánh Tâm Thảo, Phó phòng Quản lý khu trung tâm TP thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất, có thể dùng các giải pháp kinh tế để điều phối hoạt động kinh doanh tại các khu biệt thự. Nhà nước có thể đánh thuế thật cao và dùng số tiền này để đầu tư trở lại cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại đây.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: