Top

Báo cáo về sân golf ở TP.HCM:

Chậm tiến độ sẽ bị thu hồi

Cập nhật 21/09/2010 08:40

Các dự án sân golf ngốn cả ngàn hecta đất nhưng một phần diện tích sử dụng làm nhà hàng, trung tâm thương mại, nhà ở - biệt thự, khu nghỉ dưỡng…

Ngày 17-9, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài có báo cáo gửi đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (được thành lập vào tháng 7-2010) về tình hình quản lý nhà nước các dự án có sân golf về bảo vệ môi trường, đất đai và tài nguyên nước trên địa bàn TP.

Ngốn hơn 1.000 ha đất


Theo báo cáo, TP.HCM có sáu dự án sân golf đã được cấp phép, trong đó bốn dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế chỉ có một dự án đi vào hoạt động (từ năm 1995). Bốn dự án đang triển khai xây dựng và hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một dự án đã bị chấm dứt hoạt động trước thời hạn và đã thu hồi giấy phép đầu tư (dự án sân golf Yonwoo Vạn Phúc tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức).

Như vậy, số dự án sân golf được cấp phép còn hiệu lực tại TP là năm dự án. Các dự án sân golf này đều có quy mô sử dụng đất hàng trăm hecta. Cụ thể, dự án sân golf Lâm Viên tại phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ, quận 9 có quy mô sử dụng đất 300 ha. Dự án sân golf tại phường An Phú, quận 2 có quy mô sử dụng đất hơn 132 ha. Dự án sân golf GS tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (thuộc khu đô thị Tây Bắc TP) có quy mô sử dụng đất 200 ha. Dự án sân golf Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình có quy mô sử dụng đất hơn 157 ha. Dự án sân golf Sing Việt tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh có quy mô sử dụng đất 300 ha.


Hiệu quả chủ yếu từ đầu tư các dự án sân golf chính là các mục tiêu bất động sản, dịch vụ đi kèm với sân golf… Ảnh: HTD

Nhiều dự án triển khai chậm

Cũng theo TP, các dự án có mục tiêu sân golf thường chiếm diện tích rất lớn đất nông nghiệp, trong đó có một phần diện tích được sử dụng cho mục đích không phải sân golf như nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí - thể dục thể thao, nhà ở - biệt thự để bán và cho thuê, khu nghỉ dưỡng. Hiệu quả chủ yếu từ đầu tư các dự án sân golf chính là các mục tiêu bất động sản, dịch vụ đi kèm với sân golf và bán thẻ hội viên mang lại. Trong số năm dự án giấy cấp phép còn hiệu lực thì chỉ có một dự án đã đi vào hoạt động (sân golf Lâm Viên của Công ty liên doanh TNHH Hoa Việt), bốn dự án còn lại đều triển khai thực hiện chậm.

Do đó, UBND TP chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành chức năng có liên quan đặc biệt lưu ý đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư sân golf hoặc các hạng mục công trình phục vụ vui chơi giải trí, thể dục thể thao. Theo đó, phải yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo thực hiện đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt, thi công và hoàn thành công trình đưa vào sử dụng đúng tiến độ, nếu vi phạm tiến độ theo cam kết thì thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai, chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư.

Không cho chuyển mục đích

Báo cáo của TP khẳng định: Kiên quyết không cho phép những dự án đầu tư các công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân TP được thay đổi mục tiêu kinh doanh. Không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang mục tiêu kinh doanh bất động sản. Sau khi các ngành xem xét kiểm tra các dự án, xét thấy không khả thi thì đề xuất rút giấy phép đầu tư và thu hồi đất theo quy định của pháp luật hiện hành để phục vụ cho các mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn TP.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP