Top

Tây Hà Nội khi nào hồi sinh?

Cập nhật 15/01/2015 10:37

So với khoảng 4 năm trước, thị trường BĐS Hà Nội đã có những bước tiến rất dài. Tuy nhiên, những khởi sắc trên thị trường chưa đủ để những người am hiểu lạc quan về một bước nhảy vọt trong những năm tới, đặc biệt với khu vực phía Tây TP.

Tê liệt

So với những khu vực khác, BĐS phía Tây Hà Nội từng được coi là nơi phát triển với tốc độ kinh khủng nhất. Tuy nhiên, đây cũng là nơi chịu tình cảnh ảm đạm nhất khi thị trường lao dốc, thậm chí đến thời điểm hiện nay, khi người mua đã sẵn sàng chi tiền trở lại, BĐS khu vực này vẫn hoang lạnh, không có nhiều chuyển biến.

Nhiều dự án từng được mệnh danh là “siêu dự án” với quy mô hàng ngàn tỷ đồng cũng đang giậm chân tại chỗ hoặc chủ đầu tư có dấu hiệu tháo chạy, mất khả năng triển khai khiến người mua như ngồi trên lửa.

Trên thực tế, có thể dễ dàng thấy hàng loạt khu đô thị đang dang dở hoặc thưa vắng bóng người dọc các trục đường lớn như Lê Trọng Tấn kéo dài, Lê Văn Lương kéo dài, Đại lộ Thăng Long…

Đơn cử như khu vực An Khánh, một trong những khu vực gây sốt nhất khi đã có thời điểm giá đất thổ cư dao động 25-30 triệu đồng/m2; giá đất dự án như Kim Chung Di Trạch, Geleximco, Nam An Khánh cũng bị đẩy lên 40-70 triệu đồng/m2 tùy theo hướng, diện tích của các lô đất.

Tuy nhiên, sau thời kỳ sốt nóng, giá đất tại khu vực này liên tục giảm mạnh. Đến nay, mức giá đất tại đây chỉ dao động 10-17 triệu đồng/m2, giảm 50% so với thời kỳ sốt nóng nhưng cũng không có người mua. Tương tự, các khu đô thị mới như Gleximco, Mễ Trì, Kim Chung - Di Trạch, Tân Tây Đô, Lideco... cũng lâm vào tình cảnh thưa vắng bóng người.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, BĐS phía Tây Hà Nội có thể coi là một bằng chứng điển hình cho thời kỳ đầu tư theo kiểu ăn xổi, có đất là có dự án, không quan tâm đến quy hoạch, hạ tầng, dân cư. Ngay cả người mua cũng chỉ biết bỏ tiền, đợi giá tăng lên bán lại, không cần quan tâm đến chất lượng dự án. Vì vậy, BĐS phía Tây lâm vào tình cảnh “chìm” cả đôi bên, không có cách tháo gỡ.

Không thể giải cứu

Phía Tây Hà Nội có thể coi là khu vực khiến thị trường nặng gánh nhất bởi số lượng hàng tồn kho. Theo thống kê, khu vực này có khoảng gần 400 dự án đã triển khai, tuy nhiên, số lượng dự án thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ khách hàng có nhu cầu thực có thể đếm trên đầu ngón tay.

Bi đát hơn, các phương án giải cứu số lượng dự án đang mắc kẹt ở đây đang rơi vào trạng thái bế tắc, kể cả khi đã được ngân hàng, khách hàng cùng chung tay góp vốn, mà trường hợp Usilk City của Sông Đà Thăng Long là một thí dụ điển hình.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cung cách đầu tư vốn thực chỉ có 1 đồng nhưng đi vay đến 5 đồng để đầu tư, đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng kiệt quệ về mặt tài chính, không còn đủ lực để triển khai dù khách hàng có đồng ý tiếp tục góp vốn.

“Thí dụ dự án có 5 tòa chung cư, mỗi tòa 40 tầng, trên thực tế khách hàng đã đóng tiền đủ xây đến tầng 20, nhưng chủ đầu tư mới hoàn thành xong móng, tiền đó đã được sử dụng sai mục đích. Vậy nay khách hàng có đóng tiếp thêm 20 tầng nữa doanh nghiệp cũng không còn lực để hoàn thiện, lại chậm tiến độ giao nhà và tiếp tục làm mất lòng tin của khách hàng” - ông Liêm phân tích.

Theo Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam, đối với những trường hợp chọn sai vị trí, sai về cung cách đầu tư Nhà nước không cách nào để giải cứu, doanh nghiệp hoặc phải tự vận động, hoặc chờ khi thị trường khởi sắc, người mua tìm đến để vượt thoát khó khăn.

Dự án Nam An Khánh đã giảm 50% giá vẫn không có người mua.

Một lối đi được xem là mở cho nhiều dự án ở khu vực này là Bộ Xây dựng đã gia hạn thêm thời gian điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi nhà ở đến hết ngày 31-12-2015. Tuy nhiên, đối với BĐS khu vực Tây Hà Nội, việc chuyển đổi cũng không phải dễ, bởi đa phần dự án đã được xây dựng và mở bán, muốn chuyển đổi phải có sự đồng thuận của khách hàng.

Bên cạnh đó, việc nằm ở khu vực không dân cư, không có hạ tầng thiết yếu như trường học, bệnh viện, chợ, lại ở xa khu trung tâm cũng đang ngăn cản BĐS khu vực này tái hòa nhập. Trở ngại này được dự báo chưa thể cải thiện được trong năm 2015.

Theo ông  Trần Ngọc Quang, quyền Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, về cơ bản, thị trường BĐS vẫn tiếp tục khó khăn trong năm 2015, đặc biệt doanh nghiệp BĐS vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư