Các chuyên gia kinh tế phân tích, các NHTM đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay thương mại, thì việc giảm lãi suất với cho vay nhà ở xã hội cho thấy ngân hàng bám rất sát diễn biến nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, chắc chắn, việc giảm lãi suất này sẽ thu hút khách hàng cá nhân và DN đến với nhà ở xã hội nhiều hơn, qua đó cũng đẩy mạnh thêm tính thanh khoản của thị trường.
Nỗ lực của ngân hàng
Nền kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng, gói tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP, mặc dù chỉ dành cho người thu nhập thấp, nhưng đã được nhiều đối tượng trong xã hội trông chờ như một bước đột phá, một cơ hội cho những dự định cá nhân.
Với DN xây dựng thì chủ đầu tư mong muốn sẽ được vay nhiều vốn để khởi công các dự án nhà ở xã hội, còn người dân kỳ vọng sẽ dễ dàng vay được ngân hàng để sở hữu nhà. Còn phía Nhà nước cũng cho rằng, thông qua gói tín dụng này, nhiều đối tượng người lao động hưởng lương sẽ được hưởng thụ giá trị tăng trưởng kinh tế hàng năm của đất nước, thu hẹp dần khoảng cách hưởng thụ phúc lợi xã hội.
Chính vì nhận được nhiều kỳ vọng nên áp lực từ gói tín dụng này đối với ngành Ngân hàng càng lớn. Người dân dõi theo từng bước đi, động thái của chương trình. Sau hơn nửa năm thực hiện, ngân hàng nhận được nhiều ý kiến, khen nhiều nhưng lời phàn nàn cũng không ít.
Theo số liệu của Vụ Tín dụng (NHNN), đến ngày 31/12/2013, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 1.789 khách hàng với tổng số tiền 1.881,4 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng đã giải ngân cho 1.765 khách hàng với tổng dư nợ 758,7 tỷ đồng, tăng 61% so với cuối tháng 11/2013. Đến nay, NHNN chấp thuận cho các ngân hàng: BIDV, VietinBank, Agribank ký hợp đồng tín dụng với 12 DN với tổng số tiền cam kết 1.238 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,8% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở dành cho DN. Trong số các DN đó, các NHTM đã giải ngân cho 6 DN với 7 dự án với số tiền cho vay là 333,9 tỷ đồng/tổng số 30 ngàn tỷ đồng của chương trình.
Ảnh minh họa
|
Có ý kiến cho rằng, tốc độ giải ngân như vậy là vẫn chậm, thậm chí có nguy cơ phá sản chương trình. Tuy nhiên, ở góc độ người trong cuộc, Phó tổng giám đốc một NHTM đang triển khai gói 30 ngàn tỷ này cho rằng, trong bối cảnh thị trường đang thừa các dự án nhà ở thương mại và rất ít dự án nhà ở xã hội thì việc đạt được kết quả trên là sự nỗ lực của 5 NHTM tham gia chương trình. Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cũng khẳng định: đây là chương trình mang ý nghĩa thiết thực đối với người thu nhập thấp - những đối tượng mà có được căn nhà ở riêng luôn là niềm mơ ước, nhờ gói tín dụng này, họ mới có cơ hội hiện thực.
Mặt khác, khi gói tín dụng này được triển khai đã tác động tích cực tới xác lập lại mặt bằng giá thị trường nhà ở, bởi nhiều chủ đầu tư đã phải hạ giá bán sản phẩm để đưa dự án vào “danh sách” đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Ví dụ, với áp lực từ gói cho vay này, trước đây khá nhiều dự án nhà ở thương mại có giá trên 15 triệu đồng/m2, nay chủ đầu tư phải hạ xuống dưới 15 triệu đồng/m2, để có thể bán được hàng. “Tôi cho rằng, sự khơi mào của gói tín dụng 30.000 tỷ sẽ tạo cho sự phát triển chiến lược nhà ở thu nhập thấp với thiết kế, thi công, có giá thành phù hợp cho người thu nhập thấp. Đó là một ý nghĩa rất quan trọng mà gói tín dụng nhà ở mang lại”, ông Nguyễn Viết Mạnh nói.
Chính sách bám sát thị trường
Để tăng thêm sự hấp dẫn của chương trình cho vay mua nhà ở xã hội, mới đây Thống đốc NHNN đã ban hành quyết định mức lãi suất cho vay của các NHTM áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT - NHNN là 5%/năm, giảm 1%/năm so với mức lãi suất áp dụng năm 2013.
Việc điều chỉnh lãi suất này ghi nhận thêm một nỗ lực nữa của ngân hàng đã giảm gánh nặng nghĩa vụ trả nợ cho người vay vốn, hỗ trợ DN phát triển thêm các dự án nhà ở xã hội. Đặc biệt, lần điều chỉnh giảm lãi suất này diễn ra nhanh hơn so với cam kết của NHNN trước đây là mức lãi suất 6%/năm sẽ được giữ nguyên sau 3 năm triển khai (2013 - 2015) mới xem xét điều chỉnh.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội xuống 5%/năm phù hợp với bối cảnh thị trường hiện nay. Bởi chương trình cho vay này mang hơi hướng chính sách, chứ không phải thương mại.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, các NHTM cũng đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay thương mại, thì việc giảm lãi suất với cho vay nhà ở xã hội cho thấy ngân hàng bám rất sát diễn biến nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, chắc chắn, việc giảm lãi suất này sẽ thu hút khách hàng cá nhân và DN đến với nhà ở xã hội nhiều hơn, qua đó cũng đẩy mạnh thêm tính thanh khoản của thị trường.
“NHNN dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay từ nguồn tái cấp vốn để hỗ trợ cho các đối tượng đủ điều kiện, trong đó dành tới 30% cho vay đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Thêm vào đó, DN là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cũng được xem xét cho vay nếu như được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội. Đặc biệt, thời gian giải ngân tối đa lên tới 36 tháng, do đó, không nên sốt ruột với tiến độ giải ngân, vì điều quan trọng là khoản tiền này phải đến đúng đối tượng mà chính sách muốn hướng tới” một chuyên gia nhấn mạnh.
Nguyên nhân tiến độ thực hiện gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội còn chậm là do có ít sản phẩm nhà ở đủ điều kiện, thủ tục của các cấp chính quyền còn chưa hiệu quả. Phải xác định, đây là gói tín dụng nằm trong chiến lược phát triển nhà ở, hỗ trợ người dân thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở được mua, cho thuê và thuê mua với lãi suất thấp. Đây cũng không phải là gói kích cầu thị trường BĐS. Nhưng nếu gói tín dụng này thực hiện tốt sẽ tháo gỡ khó khăn cho các ngành nghề khác.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo ngân hàng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: