Top

Kê khai, minh bạch tài sản: “Bất động sản thì không giấu được”

Cập nhật 17/01/2014 13:16

Đây là ý kiến của GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) với PV Báo GĐ&XH về vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Theo GS Đặng Hùng Võ, tiền, vàng có thể cất ở két, không ai biết được, còn bất động sản thì ai cũng biết và cần được công khai trước toàn dân.

GS Đặng Hùng Võ đề nghị kiểm soát chặt chẽ bất động sản của cán bộ. Ảnh: Việt Nguyễn

* Thưa GS Đặng Hùng Võ, cuối năm 2013, Thanh tra Chính phủ đã có Thông tư 08 hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. Trong đó, những loại tài sản rất khó định giá như cây cảnh, bàn ghế, tranh, ảnh… cũng nằm trong danh mục phải kê khai, ông thấy có khả thi?

- Về nguyên tắc, kê khai minh bạch tài sản, thu nhập, từ cán bộ cấp cao đến cán bộ ở các cấp nhất định là điều rất cần thiết, là trụ cột trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Nhưng trong việc kê khai thì có những loại tài sản mà với mỗi người lại có các giá trị khác nhau. Như cây cảnh là một ví dụ, nếu người ta thấy đẹp thì nó đến tiền tỷ, với người không biết thì chỉ vài chục triệu, vài trăm nghìn đồng. Ở góc nhìn khác nhau thì giá trị khác nhau. Nhưng có lẽ chúng ta chưa nên bận tâm nhiều đến vấn đề này.

* Vậy chúng ta phải quan tâm đến cái gì nhất, thưa ông?

- Hãy làm tốt việc kê khai đầy đủ bất động sản ở tất cả các tỉnh, thành. Việc này rất dễ làm nhưng hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Có ý kiến cho rằng tài sản là bí mật cá nhân. Lại có ý kiến đòi phải công khai hết vì với bất động sản, không có nước nào là không công khai.

* Thực tế trong Nghị định 78/2013 của Chính phủ và Thông tư 08/2013 của Thanh tra Chính phủ đã có quy định về nhà cửa, quyền sử dụng đất phải công khai rồi.

- Hiện nay chưa có yêu cầu công khai đối với bất động sản trước bàn dân thiên hạ. Theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan thanh tra thì mới công khai ở trong phạm vi nhất định.

Các loại tài sản khác rất khó kiểm soát như tiền, vàng, người ta có thể giấu ở két sắt, chẳng ai biết được, nhưng bất động sản thì không thể giấu được. Vậy theo tôi, bước một là hãy tập trung công khai trước toàn dân thiên hạ về bất động sản. Các loại tài sản khác có thể xử lý tùy từng mức khác nhau.

* Đối với việc minh bạch tài sản của quan chức cấp cao, như các thành viên Chính phủ thì công khai tại Quốc hội, ông nghĩ sao?

- Tại sao lại chỉ công khai trước Quốc hội mà không cho toàn dân biết? Luật không quy định phải công khai trước toàn dân. Nghị định của Chính phủ quy định cán bộ công khai trước những người trong phạm vi mình quản lý. Bộ trưởng thì công khai trước Quốc hội. Như vậy, việc này dẫn tới chuyện Quốc hội có coi kết quả công khai đó là bí mật hay không.

Sau khi công khai có thành tài liệu mật? Nếu không mật thì mới tương đương với việc công khai trước toàn dân. Rồi cả chuyện làm thế nào để toàn dân biết được. Ở một số quốc gia như Mỹ, Canada, Tổng thống công khai toàn bộ tài sản lên mạng Internet, ai cũng có thể biết.

* Xin cảm ơn Giáo sư!

Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng phải nắm chính xác con số tài sản trong lần kê khai đầu thì việc minh bạch mới không mang tính hình thức
Trả lời PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Sỹ Cương – đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật - cho rằng, chủ trương minh bạch thu nhập, tài sản là rất đúng đắn, tuy nhiên, cần có biện pháp để việc này không mang tính hình thức và không loại trừ bất cứ đối tượng nào.

Ông Cương nói: “Ở mỗi cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu phải quyết liệt với việc này. Tôi đi vào nhiều cơ quan thì chẳng mấy ai quan tâm. Ở một bộ thì ông bộ trưởng giao cho ông thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đấy, rồi giao cho tổ chức cán bộ, thanh tra triển khai.

Nhưng có được thực hiện quyết liệt đầy đủ hay không thì chẳng được để ý. Đối với cấp bộ, gần như giao hết cho mấy ông ở vụ tổ chức cán bộ, vậy thì làm sao biết hết được tài sản của từng người như thế nào. Ví dụ, công khai tài sản của tôi ở Văn phòng Quốc hội thì mấy ai biết tôi hoàn cảnh thế nào mà thắc mắc, ý kiến. Tôi kê khai cái gì, biết thế đấy.

Về ý kiến của GS Đặng Hùng Võ, theo tôi, đương nhiên kiểm soát bất động sản là biện pháp rất cần thiết để phòng, chống tham nhũng, tuy vậy cũng chỉ là một khía cạnh. Khối tài sản của người ta có thể thể hiện ở rất nhiều thứ như chứng khoán, tiền hay các khoản đầu tư khác mà có thể lớn hơn bất động sản rất nhiều.
Tôi cho rằng, quan trọng nhất là phải nắm chặt, điều tra rõ được tài sản trong lần kê khai đầu tiên, lấy đó làm “con số gốc” phục vụ cho các lần kê khai sau. Tôi thấy chẳng ai bị xử lý khi tài sản hụt đi cả.

Đây là điều rất sơ hở vì chúng ta không kiểm soát chặt được con số gốc. Gần như kê khai lần đầu thế nào là biết thế đó. Bởi vì hụt đi thì không làm sao, tăng lên lại bị soi xét, vậy thì tội gì không khai vống lên. Có 1 tỷ, khai 5 tỷ, khỏi phải giải trình các lần khai bổ sung. Phải có một con số gốc thật chính xác, minh bạch thì mới có cơ sở bắt người ta giải trình, kể cả khi hụt đi hoặc tăng lên”.

Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng phải nắm chính xác con số tài sản trong lần kê khai đầu thì việc minh bạch mới không mang tính hình thức
 


DiaOcOnline.vn - Theo Gia đình