Giao dịch bất động sản (BĐS) qua sàn nhằm góp phần minh bạch thị trường, nhưng thực tế đi vào cuộc sống lại phát sinh nhiều hệ lụy, bất cập.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã quyết định đề xuất bỏ điều khoản này trong dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS nhằm rõ trách nhiệm chủ đầu tư, thải loại sàn môi giới, giao dịch kém chất lượng, tăng lợi ích, tạo cơ hội cho khách hàng tự lựa chọn kênh tiếp cận sản phẩm.
Loại bỏ sàn yếu kém
Trước đây, khi thị trường sốt "nóng", Luật Kinh doanh BĐS bắt buộc các chủ đầu tư phải giao dịch qua sàn để tiếp thị sản phẩm. Do đó, các trung tâm tư vấn, môi giới, sàn giao dịch BĐS mọc lên như nấm. Thậm chí, nhiều đối tượng thiếu chuyên môn, bằng cấp lợi dụng để hoạt động, kiếm sống gây nhiễu thị trường, đi ngược lại với mục đích ra đời của điều khoản là minh bạch thông tin, rõ ràng trong giao dịch mua bán. Mặt khác, cũng vì quy định giao dịch mua bán nhà, đất phải qua sàn khiến cho các chủ đầu tư, khách hàng bị hạn chế sự lựa chọn phương thức tiếp thị, tiếp cận sản phẩm. Vô hình chung tạo ra một nhóm đối tượng cò mồi, thổi giá. Bên cạnh đó, chưa kể việc quy định giao dịch qua sàn khiến thủ tục phức tạp, chi phí sản phẩm bị tăng lên vì phải bao gồm thêm thuế, phí dịch vụ giao dịch.
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phân tích: "Thực tế, sự hình thành của nhóm môi giới BĐS còn nhiều yếu tố tự phát, thiếu tiêu chuẩn, bằng cấp và trách nhiệm của người hành nghề không cao, chỉ lo kiếm lợi cho mình chứ chưa thực sự làm tròn vai cầu nối. Bên cạnh đó, hệ thống quy định, chế tài để quản lý hoạt động của sàn, tư cách pháp nhân của môi giới, tiêu chuẩn sản phẩm khi qua sàn còn thiếu đồng bộ nên khó kiểm soát được những bất cập xảy ra".
Tư vấn cho khách hàng mua nhà tại Dự án Golden West. Ảnh: Hà Nguyên
|
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia BĐS, các sàn chuyên nghiệp, hoạt động chuẩn chỉ, nghiêm túc thì sẽ luôn có khách dù có hay không quy định giao dịch qua sàn. Nói cách khác, các chủ đầu tư vẫn sẽ "nhờ" để phân phối sản phẩm, tăng kênh giao dịch, thúc đẩy thanh khoản. Người mua vẫn "yêu cầu" cung cấp thông tin, đại diện để giao dịch sản phẩm. Đặc biệt, các chuyên gia thống nhất rằng: "Việc bỏ quy định qua sàn sẽ giúp sàng lọc hệ thống môi giới chất lượng, tạo động lực cho chủ đầu tư, môi giới BĐS phải hoàn thiện mình để có được uy tín trên thị trường. Mặt khác, qua đây, trách nhiệm của chủ đầu tư cũng được tăng lên, rõ hơn chứ không chỉ dừng ở việc tạo ra sản phẩm".
Minh bạch thị trường
Giao dịch BĐS qua sàn hay không qua sàn là quyền, nhu cầu của người tham gia thị trường, tham gia giao dịch. Nhưng ở góc độ là khách hàng, không giao dịch qua sàn sẽ tạo cơ hội thuận lợi, chủ động trong việc lựa chọn sản phẩm, lựa chọn chủ đầu tư để làm việc trực tiếp. Hơn nữa, sẽ dễ dàng trao đổi những yêu cầu, thỏa thuận giữa đôi bên, củng cố niềm tin, duy trì được mối liên kết giữa khách mua và chủ đầu tư cả hiện tại và sau này."Giao dịch trực tiếp với chủ đầu tư, trước mắt yên tâm hơn về mặt tinh thần, sau là nếu trong quá trình ở có xảy ra vấn đề gì cũng dễ liên hệ, làm việc để được hồi đáp." - Chị Hà Kiều (Đội Cấn) mua nhà trực tiếp từ chủ đầu tư Viglacera chia sẻ.
Thực tế, với bất kỳ quy định nào khi đi vào cuộc sống cũng có tính hai mặt. Có thể tốt ở thời điểm hiện tại nhưng chưa chắc ở tương lai. Và với BĐS, không ai có thể khẳng định chỉ nhờ vào yếu tố bỏ giao dịch qua sàn để có thể minh bạch thị trường. Bản thân Bộ Xây dựng dù đề xuất bỏ quy định bắt buộc mua bán BĐS phải qua sàn nhưng vẫn khuyến khích các bên tham gia hoạt động này để bảo đảm quyền lợi. Còn theo các chuyên gia, quan trọng là cần đưa lợi ích của khách hàng lên hàng đầu để có những điều chỉnh, điều tiết, quản lý các bên tham gia một cách hài hòa, phù hợp. Siết chặt trách nhiệm chủ đầu tư, đơn vị môi giới để tránh gây rối loạn thị trường. Thêm yêu cầu, tiêu chuẩn cho hoạt động của sàn, sản phẩm qua sàn. Đối với chủ đầu tư cũng cần đưa ra những yêu cầu bắt buộc về thông tin phải công khai, rõ ràng, cụ thể trên phương tiện thông tin đại chúng… Thêm nhiều hình thức để người dân tiếp cận sản phẩm, chủ đầu tư, sàn giao dịch có uy tín chất lượng như Hội chợ tiêu dùng, Phiên giao dịch, triển lãm BĐS… Bên cạnh việc Nhà nước, doanh nghiệp chú trọng tạo điều kiện cho người mua thì khách hàng cũng cần chủ động, sáng suốt lựa chọn sản phẩm; Bởi vì, không ai có thể bảo vệ quyền lợi cho người mua bằng chính bản thân họ.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: