Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm cho rằng nếu không có biện pháp hữu hiệu thì vùng vành đai xanh dễ dàng bị cơn sốt bất động sản thôn tính.
Vùng rau xanh ở Tây Tựu. Ảnh: N.M.T
|
Để tình trạng trên không xảy ra, ông Liêm cho rằng, cần hình thành trong vùng vành đai xanh một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, khép kín với năng suất cao hơn nhiều lần hiện nay.
*
Thưa ông, phải bảo vệ vành đai xanh thế nào trong khi hiện nay chúng ta đang có xu hướng đô thị hóa nông thôn Hà Nội? Chính vùng đất được quy hoạch thành vành đai xanh cũng đang có hàng trăm dự án bất động sản?
Lần dự thảo này nhóm tư vấn đã quan tâm hơn tới phát triển nông nghiệp nông thôn. Cái đó là một quan điểm tốt, tuy nhiên chưa cụ thể. Theo ý tôi, trong vành đai xanh phải là nông nghiệp - đô thị. Đây là một khái niệm mới. Tức là nó không phải là nông nghiệp sản xuất lương thực mà sản xuất thực phẩm tươi sống như rau, quả và các loại thịt, trứng… Đồng thời, sản xuất gắn với chế biến, phân phối khép kín.
Thực phẩm tươi sống từ nơi sản xuất phải đến thẳng tay người tiêu dùng nhanh nhất, không nên qua tay anh này, anh nọ rồi mới đến người tiêu dùng. Như thế sẽ làm mất lợi thế của đô thị có vành đai xanh.
Trên thế giới rất coi trọng vấn đề này, chẳng hạn như Thâm Quyến (Trung Quốc). Cái lợi ở chỗ, qua chế biến sẽ bớt mang rác vào thành phố. Ví dụ rau quả đã chế biến sạch mua về nhà không phải loại bỏ nhiều. Đằng này mớ rau muống mua ngoài chợ về phải bỏ một phần ba.
Về công nghệ, phải chọn loại hiện đại, hay công nghệ thẳng đứng: ví dụ chuồng chăn nuôi gia súc thẳng đứng sẽ bớt sử dụng diện tích đất. Nông nghiệp đô thị sẽ tạo ra giá trị sản phẩm rất lớn trên một hécta đất.
*
Tức là phải thay đổi nền sản xuất hiện nay?
Hà Nội mới phấn đấu đạt 150 triệu đồng /ha đất. So với cả nước là khá cao, nhưng vẫn chưa đủ sức chống lại áp lực của thị trường bất động sản. Bởi giá trị đó tính ra còn quá rẻ: Một hécta phải đền bù, 3 năm liền lợi nhuận cũng chỉ được nửa tỷ đồng! Cho nên phải nâng giá trị từ đất lên nữa, để ai muốn sử dụng đất đó sẽ phải bỏ ra một giá trị lớn hơn.
Như vậy, người ta mới không tùy tiện lấy đất, mới chống được cơn sốt mua bán đất ngoại thành hiện nay. Ngược lại, dân đói thì chỉ mong có người mua để bán đất, nhưng khi giá trị sản xuất tăng lên người ta sẽ phải bám đất để sản xuất. Còn nếu sản xuất thừa ra sẽ cung ứng nơi khác, thậm chí xuất khẩu.
Người nông dân sẽ có công ăn việc làm ổn định, tuy chưa giàu nhưng cũng sống sung túc trên mảnh đất của họ. Cho nên, phải phát triển nông nghiệp đô thị mới có thể giữ được vành đai xanh không chỉ bằng pháp lý mà còn cả bằng biện pháp kinh tế.
Làm rõ vị trí vùng núi Ba Vì - Sơn Tây
*
Ông thấy sao khi trong quy hoạch, tiếp sau hành lang xanh là các đô thị vệ tinh như Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây và khu đất dự trữ để xây dựng trung tâm hành chính quốc gia mới ở chân núi Ba Vì?
Trong hệ thống các đô thị vệ tinh, tôi cho rằng cần làm rõ vị trí của nó với đô thị lõi, phải tạo sức hút để kéo giãn dân cư trong đô thị lõi. Nhưng tôi muốn bổ sung một số ý nhỏ - đó là đô thị Sơn Tây bị quên mất một vị trí rất quan trọng: đây được coi là một đô thị văn hóa, khu dịch vụ y tế, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp sinh thái...
Người ta quên rằng, Sơn Tây từ thời Lê -Trịnh đã được coi là một trạm trấn quân sự để bảo vệ Thủ đô. Hiện nay, Sơn Tây cũng có các cơ sở quân sự ở đó, có các gia đình quân nhân. Đô thị phải chăm lo đời sống việc làm cho quân nhân để họ yên tâm bảo vệ tổ quốc - do đó phải đặt ra một nhiệm vụ để quy hoạch khu vực Sơn Tây với những đặc điểm như vậy.
Một vấn đề cũng chưa rõ - đó là núi Ba Vì. Khu vực rừng núi Ba Vì và Vườn Quốc gia Ba Vì được quy hoạch thế nào tính từ cốt 400 trở lên phải rõ. Khi Thủ đô mở rộng, núi Ba Vì là một thắng địa, thắng cảnh - tôi chưa nói là linh thiêng thế nào - nhưng đó là một đặc điểm rất quý khi nằm bên cạnh Thủ đô có một vùng núi như vậy. Chính đặc điểm địa hình của núi Ba Vì cùng với sông Hồng tạo ra sự tương phản, nét mới của quy hoạch Thủ đô.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: