Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh từ thực tế, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản chính thức đề nghị Chính phủ hướng xử lý đối với nhà biệt thự cũng như các dự án, công trình xây dựng nhà cao tầng trong khu trung tâm.
Biệt thự cũ ở Hà Nội. (Nguồn: Internet).
|
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết từ 31/12/2009, thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng và bốn quận nội thành (cũ) kiên quyết dừng ngay việc phá dỡ các nhà biệt thự cũ và cấp phép xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện dừng cấp phép, nhiều vướng mắc, khó khăn đã phát sinh.
Đối với nhà biệt thự, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao thành phố có phương án quy hoạch, bảo tồn các biệt thự trong khu phố cũ để tôn tạo, phục hồi, trùng tu, duy trì phong cách kiến trúc của những công trình này và tiếp tục thực hiện Đề án quản lý biệt thự đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua.
Đối với nhà biệt thự cũ nát, không còn giá trị sử dụng hoặc nằm trong dự án phải giải phóng mặt bằng, sẽ được phép tháo dỡ, xây dựng lại theo quy định bởi nếu tuyệt đối không cho phép tháo dỡ sẽ khó khăn cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp, cải thiện nhà ở.
Đối với dừng xây dựng nhà cao tầng ở khu vực trung tâm, trước khi có Thông báo 348/TB-VPCP, nhiều tòa nhà cao tầng ở khu trung tâm đã và đang triển khai thực hiện.
Có công trình đang xây dựng, có dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô công trình, chỉ tiêu quy hoạch-kiến trúc, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch hoặc đã có xác nhận tổng mặt bằng hay đang làm thủ tục cấp phép xây dựng.
Nhiều dự án cải tạo chung cư cũ đã đầu tư kinh phí lập dự án; lập quy hoạch, điều tra, khảo sát, thỏa thuận với dân cư, giải phóng mặt bằng. Có dự án đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đã triển khai xây dựng và huy động vốn của các thành phần kinh tế và cá nhân mua nhà.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Phí Thái Bình, nếu tất cả các dự án này đều phải dừng lại sẽ gây lãng phí, thiệt hại không nhỏ về tài chính và phát sinh phức tạp xã hội.
Thành phố đề xuất Thủ tướng, đối với các dự án, công trình nhà cao tầng ở khu trung tâm đã cấp phép xây dựng hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và quy mô công trình, chỉ tiêu quy hoạch-kiến trúc, đã phê duyệt quy hoạch chi tiết... kể từ 31/12/2009 trở về trước mà phù hợp với Định hướng quy hoạch xây dựng chung Hà Nội đang được tư vấn quốc tế lập, sẽ được tiếp tục triển khai theo đúng quy định.
Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng giao Ủy ban Nhân dân thành phố chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng trên cơ sở định hướng quy hoạch xây dựng chung khẩn trương rà soát, phân vùng kiểm soát phát triển không gian khu vực trung tâm để làm cơ sở cho việc quản lý.
Những công trình cao tầng phát sinh sau 31/12/2009 phải được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: