“Dự án chỉnh trang phố cổ Tạ Hiện có thể trở thành hình mẫu trong cải tạo đô thị khu phố cổ Hà Nội”- ông Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội trao đổi với báo chí.
Góc phố Tạ Hiện ngày 19-11. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Dự án khởi công ngày 11-11 theo quyết định của Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, được đánh giá là cuộc thí điểm đặc biệt trong chỉnh trang phố cổ.
*Ông có thể cho biết công tác chuẩn bị được thực hiện thế nào?
Năm 2009, UBND TP Hà Nội chính thức giao thực hiện dự án chỉnh trang phố cổ Tạ Hiện, trong chương trình các công trình kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long- Hà Nội. Dự án được khởi động và giao cho Ban quản lý Phố cổ Hà Nội thực hiện. Ban quản lý đã làm đúng các trình tự đối với một công trình đầu tư xây dựng cơ bản.
Ngoài ra, chúng tôi lấy ý kiến các hộ dân, tổ chức hội thảo, lập báo cáo phương án kiến trúc, xin ý kiến của các nhà khoa học, kiến trúc sư; triển lãm lấy ý kiến cuối cùng, tiến hành lập hồ sơ thiết kỹ thuật thi công.
*Dự án gồm những hạng mục nào?
Hạng mục chính gồm: Cải tạo mặt đứng trả lại kiến trúc gốc của công trình, cải tạo hạ tầng đoạn phố như: Mặt đường lát lại bằng đá tự nhiên, khôi phục hệ thống cửa theo kiến trúc gốc, bó gọn hệ thống đường dây trên đường phố, sắp đặt lại máy điều hòa, thay mới mái hiên cũ nát cho phù hợp với kiến trúc.
*Được biết đây là dự án hợp tác với thành phố Toulouse (Pháp). Phía bạn chịu trách nhiệm phần việc nào trong chỉnh trang?
Thành phố Toulouse hỗ trợ về kỹ thuật, cử kiến trúc sư thường trú tại Hà Nội, và chuyên gia bảo tồn để hỗ trợ trong quá trình thực hiện dự án. Trước đó, phía bạn hỗ trợ trùng tu và xây dựng Trung tâm thông tin phố cổ 28 Hàng Buồm, hiện đang trùng tu đình Kim Ngân tại 42 Hàng Bạc. Ngoài ra, thành phố Toulouse hỗ trợ kinh phí 40.000 euro.
Phía Việt Nam lo kinh phí còn lại, khoảng 14 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn thiết kế là Viện kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng). Phần thi công được đấu thấu rộng rãi.
*Trong câu chuyện chỉnh trang, tu bổ di sản, không hiếm chuyện nhà thi công không thực hiện đúng phần kỹ thuật được giao. Ở dự án này, Ban quản lý phố cổ Hà Nội có biện pháp cụ thể nào?
Chủ đầu tư phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, sao cho quá trình thi công đúng thiết kế kỹ thuật tổng dự toán được duyệt. Chúng tôi cử nhóm cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia giám sát, phối hợp chủ sử dụng công trình theo dõi trong suốt quá trình thi công.
*Thời gian tu bổ kéo dài 6 tháng liệu có ảnh hưởng đến đời sống người dân, thưa ông?
Trước hết, chúng tôi tiến hành thi công nhà số 13 làm mẫu, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng. Làm đâu gọn đấy, dứt điểm từng công trình một, không thể lật tung cả tuyến phố lên được. Bởi phố cổ chật hẹp, thi công khó khăn. Các hộ dân vẫn sinh hoạt và kinh doanh bình thường. Một số hộ dân nhân dịp này sửa chữa nội thất.
*Chỉnh trang khu phố Tạ Hiện, ngoài mục đích chống xuống cấp, không biết cơ quan quản lý có tính đến câu chuyện làm du lịch?
Đây là tuyến phố cổ thuộc loại điểm, sau khi hoàn thành phải có quy định và hướng dẫn kinh doanh theo hướng du lịch. Hiện tại, các hộ gia đình chủ yếu kinh doanh ăn uống, dịch vụ. Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi vừa làm vừa tiến hành điều tra xã hội học, nguyện vọng của các hộ dân. Chuyển đổi hình thức kinh doanh rất khó, phụ thuộc vào hoàn cảnh, khả năng kinh doanh và thói quen của các hộ dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: