Top

Nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ ngày càng lớn

Cập nhật 02/06/2009 10:45

Nhu cầu của người tiêu dùng tăng, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, nguồn cung mặt bằng thiếu, việc cấp phép cho các nhà đầu tư ngoại khó khăn khiến thị trường chưa phát huy hết thế mạnh.

Anh Nguyễn Bình Long, chủ cửa hàng đồ ăn Italy Limone, đã thuê mặt bằng tại trung tâm thương mại Vincom được 5 năm với giá 33 USD mỗi m2 cho diện tích 100 m2. Anh hài lòng vì lượng khách khá đông so với cửa hàng trên phố Nhà Chung trước kia bởi nếu đến xem phim, mua sắm, khách hàng thường tiện dừng chân để ăn uống. "Từ khi có rạp chiếu phim Mega Star, cửa hàng tôi đắt khách hơn hẳn. Thường tầm tối muộn, hết giờ chiếu phim chúng tôi mới đóng cửa", anh Long chia sẻ. Anh cho biết, đang có ý định mở rộng kinh doanh và đích ngắm có thể là Tràng Tiền Plaza hoặc Parkson.

Anh Long chỉ là một trong số nhiều khách hàng tìm đến trung tâm bán lẻ để thúc đẩy kinh doanh. Các trung tâm thương mại lớn càng ngày càng hút khách. Chỉ tính riêng Vincom City Tower, mỗi ngày đón 6.000 lượt khách, Paskson khoảng 2.500 lượt, Tràng Tiền Plaza có thể lên tới 4.000 lượt... Ngày nghỉ, lượng khách có thể tăng gấp đôi.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, mặt bằng bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam năm 2008 đạt hơn 57 tỷ USD. Riêng 3 tháng đầu năm 2009, nguồn thu từ dịch vụ bán lẻ đạt gần 20 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người Hà Nội khoảng 1.900 USD, tăng 23% hằng năm. Người dân trong độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm tới 40%, lại là nhóm có thu nhập dành cho tiêu dùng nhiều nhất nên đây là cơ hội tốt cho thị trường bán lẻ Việt Nam trong tương lai.

Nhu cầu thuê của khách có nhiều nhưng nhìn chung, trong hai năm qua, dự án lớn phục vụ cho mặt bằng bán lẻ không nhiều. Nguồn cung mặt bằng bán lẻ Hà Nội 2008 chỉ có các dự án Hà Thành Plaza, Parkson, Syrena Shopping Centre. Năm 2009 có thêm The Garden Lifestyle Mall, Vincom Park Place, Golden West Lake, Bắc Hà Plaza.

Ngoài ra, góp mặt cùng các trung tâm thương mại còn có loại hình bán lẻ truyền thống là cửa hàng ngoài mặt phố. Thiếu nguồn cung, các nhà đầu tư có thể thuê lại các nhà mặt phố đã qua cải tạo. Những cửa hàng mặt phố lớn này có vị trí đắc địa song giá cả lại quá đắt đỏ khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Theo nghiên cứu của Công ty Tư vấn Bất động sản Savills, chỉ tính trên chiều dài chưa đầy 1 km, phố Hàng Bông có gần 300 cửa hàng với tổng diện tích 7.000 m2. Một gian bán lẻ 16 m2, giá thuê lên tới 100 USD mỗi m2 một tháng. Trong khi giá thuê tại các trung tâm thương mại chỉ từ 30 đến 60 USD mỗi m2.

Nhà cho thuê trên mặt phố hoặc các cửa hàng cải tạo lại sẽ bù đắp cho thị trường tại thời điểm thiếu hụt mặt bằng một cách nhanh chóng. Một loạt cửa hàng bán lẻ ở cạnh nhau sẽ tạo cảnh quan và làm tuyến phố đẹp hơn. Tuy nhiên, ông Richard Leech, Giám đốc CBRE Việt Nam, cho rằng, trong thời gian tới, xu hướng phát triển chung vẫn là trung tâm thương mại. Bởi mua bán tại đây, khách hàng không phải mặc cả, được khuyến mãi, hàng hóa xuất xứ rõ ràng...

"Khu bán lẻ vỉa hè chỉ là giải pháp tạm thời. Khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng, khách hàng sẽ muốn thỏa mãn nhiều nhu cầu giống như trung tâm thương mại đang đáp ứng. Đó sẽ là xu hướng chung của tất cả thị trường bán lẻ trên thế giới chứ không riêng Việt Nam", ông Richard Leech nói.

Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vincom, cho rằng Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển mặt bằng bán lẻ bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập bình quân và nhu cầu với hàng cao cấp tăng. Nhưng ông Hiệp băn khoăn, khó khăn nhất là điều kiện cơ sở vật chất, nguồn cung còn thiếu. Các trung tâm thương mại chưa thu hút được nhiều thương hiệu nổi tiếng để làm "xôm" thị trường bán lẻ. "Khách hàng không muốn thuê những mặt bằng ở quá xa trung tâm. Nhiều trung tâm thương mại vẫn chưa có cách thu hút các cửa hàng sang trọng quy tụ về một mối", ông Hiệp nói.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, dự án trung tâm thương mại tốt và các vị trí đắc địa chưa được khai thác hết. Việc cấp phép cho các hãng bán lẻ quốc tế vào Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Tại thị trường Việt Nam, hầu hết thương hiệu quốc tế hiện tại đi qua kênh là các nhà phân phối nội địa chứ chưa vào trực tiếp. Đây cũng là một rào cản không nhỏ để các thương hiệu quốc tế vào Việt Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress