Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong vòng 10-12 năm tới, hệ thống GTVT đường bộ trên cả nước sẽ phải phát triển ở một tầm mức đủ để giải quyết tất cả những vấn đề quan yếu nhất.
Sẽ có gần 5.900km đường cao tốc
Định hướng của ngành GTVT là phải phát triển trên phạm vi toàn quốc một mạng lưới đường bộ cao tốc ít nhất 22 tuyến với tổng chiều dài 5.873km trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo.
Trong số này, khu vực phía Bắc có 7 tuyến hướng tâm dài 1.099km kết nối với thủ đô Hà Nội, tiêu biểu như tuyến Hà Nội-Hải Phòng dài 105km; Hà Nội-Việt Trì-Lào Cai dài 264km; Hà Nội-Hạ Long-Móng Cái dài 294km; Hà Nội-Thái Nguyên-Chợ Mới dài 90km; Ninh Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh dài 160km…
Khu vực phía Nam được hoạch định 6 tuyến dài gần 1.000km; trong đó có các tuyến TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành dài 69km đi theo hướng đường Hồ Chí Minh; TPHCM-Mộc Bài dài 55km; Biên Hòa-Vũng Tàu dài 76km; Dầu Giây-Đà Lạt dài 209km; Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 200km.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 3 tuyến dài 264km. Đó là tuyến Hồng Lĩnh-Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh dài 34km; Cam Lộ -Lao Bảo dài 70km và Quy Nhơn-Pleiku dài 160km.
Riêng thủ đô Hà Nội và TPHCM còn có thêm hệ thống đường vành đai cao tốc dài hơn 260km. Bên cạnh hệ thống đường cao tốc là mạng lưới quốc lộ dàn trải đều khắp.
Tại miền Đông Nam bộ, việc phát triển sẽ tập trung vào các tuyến quốc lộ quan trọng như 51, 55, 56, 22, 13, 20... vốn giữ vai trò nối kết các trung tâm kinh tế thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương.
Trong khi đó trọng tâm phát triển cho khu vực Tây Nam bộ bao gồm các quốc lộ 50, 62, 30, 54, 57, 60, 61, 80… Trọng tâm cho khu vực này là đến năm 2015 phải hoàn thiện việc khôi phục, nâng cấp các tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III, 2 làn xe; xây dựng xong các tuyến tránh hoặc mở rộng các tuyến tránh qua thị trấn, thị xã; hoàn tất xây dựng mới hai tuyến đường nối liền với quốc lộ 14C, đường hành lang biên giới và đường Hồ Chí Minh.
Khu vực phía Bắc sẽ ưu tiên hoàn thành khôi phục, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường từ cấp I đến cấp III cho các tuyến quốc lộ nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng (quốc lộ 5, 10, 18, 38, 39). Xây dựng các tuyến nan quạt từ thủ đô Hà Nội tỏa đi các tỉnh phía Bắc, bao gồm các quốc lộ 2, 3, 6, 32… Đặc biệt các trục từ Hà Nội đi trong vòng bán kính 50-70km phải mở rộng đạt chuẩn đường cấp I hoặc cấp II, quy mô 4-6 làn xe.
Tại miền Trung, ngoài các trục dọc Bắc-Nam còn chú ý hệ thống các đường ngang nối liền vùng đồng bằng ven biển miền Trung với khu vực Tây nguyên, hoặc nối các cảng biển tới cửa khẩu quốc tế qua Lào và Campuchia. Các đường ngang phải đạt chuẩn cấp III, cấp IV, phục vụ 2 làn xe.
Cân đối, liên hoàn đường bộ đô thị
Đối với thủ đô Hà Nội, chỉ tiêu trong kỳ hạn từ nay đến năm 2020 là phải hoàn thành việc cải tạo mở rộng các quốc lộ hướng tâm hiện có với quy mô 4-6 làn xe; hoàn thành việc xây dựng đường vành đai 2 thành đường đô thị quy mô 4-8 làn xe trước năm 2010; riêng đoạn từ Đại La, Trường Chinh đến Cầu Giấy có thể kéo dài thêm. Hình thành tuyến vành đai 3 có quy mô 6-8 làn xe, chiều rộng chỉ giới 100-120m; xây dựng và đưa vào sử dụng các cầu vượt sông Hồng như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở… Các cầu này có quy mô 4-8 làn xe.
Tại TPHCM, các quốc lộ hướng tâm sẽ được cải tạo, nâng cấp, riêng quốc lộ 50 đoạn từ vành đai 2 trở vào được nâng cấp thành đường đô thị.
Các trọng tâm khác là xây dựng cầu Đồng Nai mới, tuyến song hành quốc lộ 50 cũ, đường cao tốc TPHCM-Vũng Tàu, TPHCM-Trung Lương-Cần Thơ, đường cao tốc liên vùng phía Nam thành phố đến Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai…
Một loạt cầu, hầm lớn vượt sông cũng được xây dựng như cầu Bình Khánh trên sông Nhà Bè, cầu Phước Khánh trên sông Lòng Tàu, cầu Phước An trên sông Thị Vải, cầu Nhơn Trạch trên sông Đồng Nai cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm 2-3-4, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn…
Tại bất kỳ đô thị nào, việc phát triển GTVT đường bộ phải đảm bảo phù hợp quy hoạch phát triển không gian, kiến trúc đô thị; đảm bảo tính thống nhất, cân đối, đồng bộ, liên hoàn với các phương thức GTVT khác, giữa mạng lưới GTVT vùng với mạng lưới khu vực và quốc tế.
Nội lực và môi trường cạnh tranh đúng nghĩa
Để hiện thực hóa những trù định trên, theo Bộ GTVT là cần thực thi một giải pháp cả gói gồm 10 sách lược, trong đó nổi lên hai trọng tâm là chú ý phát huy nội lực và tạo ra môi trường cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh.
Bộ GTVT nhấn mạnh “bửu bối” có thể giúp phát huy nội lực là tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế thông qua nhiều hình thức đa dạng như phát hành trái phiếu, đầu tư BOT (xây dựng-khai thác-chuyển giao), BTO (đầu tư-chuyển giao-khai thác), BLT (đầu tư-cho thuê-chuyển giao), PPP (phối hợp đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân).
Trong khi đó, để giải quyết mảng vận tải, mấu chốt là khuyến khích các thành phần kinh tế có đủ điều kiện tham gia kinh doanh vận tải, các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Trong vấn đề này, điều không thể thiếu là Nhà nước phải tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.
Ngoài ra còn có các giải pháp như: Nhà nước hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp vận tải hoạt động ở vùng khó khăn; chính sách ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố lớn; phát hành trái phiếu chính phủ và ưu tiên vốn ODA để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: