Top

Năm 2014: Lối đi nào cho bất động sản?

Cập nhật 13/03/2014 13:16

Tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, nhiều dự án bất động sản (DABĐS) bị “ngâm” vì thiếu vốn khiến không ít công ty kinh doanh phá sản, nhà đầu tư lẫn khách hàng đều dè dặt trong giao dịch... Nếu không mạnh dạn tìm hướng đi mới nhằm phục hồi thị trường này, e rằng tình trạng “đóng băng” sẽ kéo dài.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - cho biết: “2013 là năm cực kỳ khó khăn của thị trường BĐS, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Dù ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có Nghị quyết (NQ) 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và những cơ chế chính sách tương đối toàn diện, đồng bộ, nhưng kết quả đạt được trong việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là quá thấp, chưa tạo được “cú hích” cho thị trường BĐS. Thêm vào đó, UBND TPHCM đã có nhiều biện pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho DN cũng như kết nối họ với ngân hàng (NH), chuyển đổi tái cơ cấu các dự án BĐS, nhưng kết quả đạt được không như kỳ vọng.

Do vậy, các DN đã nỗ lực tự cứu mình bằng nhiều giải pháp thiết thực như giảm giá bán, hỗ trợ lãi suất cho người mua, chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người thu nhập thấp... Trong đó, phân khúc căn hộ vừa và nhỏ với giá bán phù hợp của một số Cty kinh doanh BĐS là hướng đi đúng đắn trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Vấn đề ở chỗ năm 2014 dự kiến thị trường này vẫn còn gặp không ít khó khăn nên rất cần sự thay đổi đồng bộ, toàn diện từ chính sách nhà nước, Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cộng thêm sự phối hợp giữa NH và DN, nỗ lực của nhà đầu tư... có như thế mới mong thị trường hồi phục, phát triển theo hướng minh bạch, ổn định và bền vững.

Trong số kiến nghị được đưa ra như: thu tiền sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất; thực hiện hiệu quả NQ02/NQ-CP của Chính phủ, trước hết là giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng..., ông Châu nhấn mạnh đến việc kiến nghị cho Việt kiều được sở hữu nhà ở như người trong nước, mở rộng điều kiện cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại VN (chú trọng loại hạng sang) phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo ông, đây là cách xuất khẩu tại chỗ (hàng năm lượng kiều hối gửi về nước trên 10 tỷ USD), tạo công ăn việc làm trong khi không cạnh tranh với người thu nhập thấp trong nước về nhà ở, góp phần giải quyết hàng tồn ở phân khúc nhà ở hạng sang hiện nay.

Trong khi nhiều công ty kinh doanh BĐS chọn giải pháp im lặng chờ thời cơ thì bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng giám đốc Cty cổ phần DV-TM&XD địa ốc Kim Oanh - đã tìm cách vượt qua “giông bão”. Bà chia sẻ, năm 2007 thị trường BĐS “sốt”, nhiều nhà đầu tư đổ xô vào kinh doanh. Nhưng sau đó, tình hình kinh tế biến động, đặc biệt là đối với ngành BĐS nên Cty Kim Oanh đã chọn cho mình hướng đi mới: chuyển sang phân khúc đất nền giá rẻ phù hợp với khách hàng có nhu cầu thật tại Bình Dương, Đồng Nai và vùng ven TPHCM với giá dao động từ 200 - 500 triệu đồng.

Bà Oanh cho biết thêm: “Đầu năm 2014, nhìn chung tình hình BĐS có xu hướng nhộn nhịp trở lại, điều đó cho thấy thị trường này không hoàn toàn “đóng băng” mà phụ thuộc từng vùng, từng thời điểm. Dự kiến năm 2014, chúng tôi sẽ đầu tư vào dự án để chủ động nguồn cung cho công ty”. Theo bà, muốn vực dậy thị trường này, chính sách nhà nước cũng cần thay đổi cho phù hợp, trong đó Thông tư 20 cần được hướng dẫn cụ thể để triển khai áp dụng. Hiện nhu cầu đất nền, căn hộ vừa và nhỏ được khách hàng quan tâm nhiều, trong khi chủ đầu tư thiếu vốn lại khó tiếp cận nguồn vay NH, dù DN có tài sản đảm bảo và lợi nhuận tăng hàng năm.  Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư vay vốn để tạo điều kiện giúp họ vượt qua khó khăn, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.



DiaOcOnline.vn - Theo Công An TP.HCM