Gói 30.000 tỷ đồng không phải để cứu bất động sản, và tiền nằm ở ngân hàng, ngân hàng có trách nhiệm giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng một lần nữa khẳng định về mục đích của gói 30.000 tỷ và giải thích về số tiền hiện đang được Ngân hàng nắm giữ thay vì Bộ Xây dựng khi trước đó đại biểu Ngô Văn Minh - ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã từng đề nghị Bộ Xây dựng trả lại 30.000 tỷ cho Quốc hội và Chính phủ.
Tại hội thảo về nhà ở xã hội ở Việt Nam, bài học từ kinh nghiệm quốc tế do Bộ Xây dựng và Ngân hàng thế giới tổ chức vào sáng 12/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện Bộ đang tích cực cùng ngân hàng tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn để giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đưa ra hàng loạt các giải pháp như phải tăng cung nhà ở xã hội, vì hiện tại không nhiều nhà ở xã hội có diện tích dưới 70m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2 thì chắc chắn không thể giải ngân được vì không thể giải ngân cho các đối tượng không được cho phép theo quy định của gói tín dụng.
"Quan điểm là gói tín dụng này phải sử dụng đúng đối tượng, tránh lợi dụng để trục lợi và gây thất thoát", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ rà soát các thủ tục không cần thiết, cản trở người dân, đặc biệt Bộ Xây dựng cùng Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên môi trường, Ngân hàng nhà nước ký thông tư liên tịch cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Gói 30.000 tỷ ngân hàng phải chịu trách nhiệm giải quyết
|
"Việc này không chỉ là việc riêng của Bộ Xây dựng nên chúng tôi cũng rất mong muốn để giải ngân nhanh gói tín dụng hỗ trợ ưu đãi thì cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa phương, vì tất cả các dự án phát triển nhà ở xã hội đều ở địa phương thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương quyết định", Bộ trưởng nói.
Trước đó, tại phiên thẩm tra sơ bộ về dự án Luật nhà ở (sửa đổi), đại biểu Ngô Văn Minh - ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nói: “Tôi xin hỏi Bộ trưởng là gói 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở đâu rồi? Đề nghị trả lại cho Quốc hội và Chính phủ để bố trí làm việc khác”.
"Cơ chế chính sách gì mà dân không vay được, doanh nghiệp cũng không tiếp cận được", ông Minh nói.
Ngay tại đây, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã giải thích: "Muốn cho vay thì phải có nhà thu nhập thấp, trong khi nguồn cung nhà loại này lại ít thì giải ngân thế nào được?".
Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng còn nhấn mạnh, đây không phải là gói giải cứu để chia hết cho nhanh như một số người hiểu lầm mà phải ai đủ tiêu chuẩn mới được vay. Và nguồn vốn này cần kéo dài nhiều năm, thậm chí đến khi thu nhập bình quân đầu người đạt 50.000 USD/năm. Vì nhiều nước thu nhập bình quân đầu người còn cao hơn mức đó họ vẫn có nguồn vốn cho vay hỗ trợ nhà ở.
Trong lần trả lời phỏng vấn Đất Việt, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng từng khẳng định, gói 30.000 tỷ thực tế là chính sách cho người dân khó khăn về nhà ở được vay mua nhà hoặc thuê nhà.
"Đây là việc làm lâu dài không phải trực tiếp dùng gói 30.000 tỷ đồng để cứu bất động sản, Nhà nước không có tiền để cứu bất động sản mà chỉ có những giải pháp đồng bộ về chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản", Bộ trưởng nói.
Chia sẻ trên Vnexpress trước đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, ông tin rằng, người thu nhập thấp đã có nhiều cơ hội để cải thiện nhà ở.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tin tưởng, năm nay sẽ là thời cơ để ngành xây dựng củng cố các minh chứng thuyết phục hơn về hiệu quả của các chính sách đã ban hành.
Bình luận về gói 30.000 tỷ này, chuyên gia kinh tế TS Alan Phan từng cho biết, gói 30.000 tỷ thực chất là chiêu PR vì không ai muốn bỏ tiền ra như "muối bỏ biển" trong thời điểm ngân sách đang thiếu hụt, rất nhiều thứ để chi, tiêu và bất động sản chẳng đi đến đâu vì nợ xấu đang đầy rẫy.
"Thêm nữa, gói 30.000 tỷ là tin PR để tác động tâm lý để người dân có nhu cầu mua nhà nên mọi cách họ làm sau đó để nới điều kiện cho vay với gói 30.000 tỷ cũng khó ai có thể tiếp cận được", TS Alan Phan nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: