Top

Lại đề xuất xây dựng chỉ số bất động sản quốc gia

Cập nhật 30/06/2014 10:38

Bộ Xây dựng lại vừa đề xuất Chính phủ tổ chức nghiên cứu và xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá thị trường bất động sản thống nhất trên cả nước tại Đề án phát triển thị trường bất động sản đến 2020, tầm nhìn 2030 mới đây.

Bộ Xây dựng vẫn đang tìm kiếm một cách nhìn có hệ thống về sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam

Các chỉ tiêu này sẽ gồm chỉ số giá bất động sản; chỉ số đánh giá thị trường bất động sản một cách khoa học và tin cậy nhằm đánh giá và dự báo đúng tình hình thị trường bất động sản.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Chính phủ sẽ quy định trách nhiệm cung cấp thông tin về dự án bất động sản, tiến độ thực hiện, tình hình giao dịch của các chủ đầu tư, các sàn giao dịch bất động sản, các văn phòng công chứng tới các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường bất động sản các cấp.

Đồng thời cũng quy định việc công khai thông tin về quy hoạch, khung giá đất, kế hoạch triển khai các dự án bất động sản của các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường bất động sản ở địa phương.

Theo đó, sẽ thực hiện quản lý, điều tiết thị trường bất động sản thống nhất từ Trung ương đến địa phương, thông qua việc lập, chấp thuận và phê duyệt quy hoạch phát triển đô thị, kế hoạch phát triển các loại hàng hóa bất động sản, bảo đảm cơ cấu hàng hóa bất động sản phù hợp với nhu cầu của thị trường, cân đối cung - cầu.

Công khai các thủ tục dịch vụ công liên quan đến việc đăng ký, xác lập quyền sở hữu, chuyển dịch sở hữu, mua bán bất động sản, sao lục hồ sơ bất động sản, giao đất, cho thuê đất. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật trong đầu tư, giao dịch trên thị trường bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, trong hơn một thập kỷ qua, hệ thống quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường bất động sản đã từng bước được hoàn thiện, hình thành khung pháp lý, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng và thuận lợi cho cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng để điều chỉnh hoạt động của thị trường bất động sản, như: Luật Đất đai (2003) và Luật Đất  đai (sửa đổi 2013), Luật Xây dựng (2003), Luật Nhà ở (2005), Luật Đầu tư (2005), Luật Doanh nghiệp (2005), Luật Kinh doanh bất động sản (2006),...

Hàng hóa bất động sản phát triển ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất của xã hội. Đặc biệt, thị trường nhà ở phát triển mạnh mẽ, mặc dù Nhà nước không còn bao cấp về nhà ở như trước, nhưng trong thời gian 10 năm, từ 1999 đến 2009 quỹ nhà ở toàn quốc đã tăng gấp 2 lần.

Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, nhiều khu nhà ở mới khang trang đã và đang dần dần thay thế  các khu nhà ở cũ bị xuống cấp, hư hỏng.

Thị trường bất động sản cũng đã thu hút một số lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài.

Tính đến ngày 31/12/2013 đã có 407 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản được cấp phép với tổng vốn đầu tư 49,03 tỷ USD.

Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 21% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Số thu ngân sách từ tiền thuê đất của khu vực đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2001-2011 ước đạt 4.700 tỷ đồng, trong đó năm 2011 đạt cao nhất với 1.047 tỷ đồng, năm 2012-2013 ước trung bình mỗi năm thu khoảng 1.000 tỷ đồng từ tiền thuê đất của các nhà đầu tư nước ngoài.

Góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản mới hình thành nên phát triển còn thiếu ổn định, khi thì phát triển quá "nóng", lúc thì "đóng băng" không có giao dịch.

Tình trạng phát triển bất động sản tự phát, theo phong trào còn phổ biến.

Nhiều dự án chậm hoàn thành hoặc không đủ điều kiện hạ tầng để đưa vào sử dụng bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Tồn kho bất động sản lớn, phát sinh nợ xấu ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở không phù hợp với nhu cầu thị trường, dẫn đến lệch pha cung - cầu.

Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở không ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của người dân, với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản.

Cơ chế xin - cho trong việc giao dự án bất động sản dễ dẫn đến tham nhũng; giao dịch ngầm dẫn đến hiện tượng làm giá, đầu cơ, lũng đoạn thị trường còn diễn ra tại nhiều dự án.

Thị trường bất động sản phát triển chưa có sự kiểm soát có hiệu quả từ phía các cơ quan nhà nước, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương

Ý tưởng về một bộ chỉ số đánh giá thị trường bất động sản thống nhất trên cả nước cũng đã từng được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Sở Xây dựng Hà Nội nhắc đến từ nhiều năm trước nhưng chưa có đơn vị nào triển khai thành công.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư