Thực trạng chỉ có khoảng 3% gói 30.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi cho bất động sản được giải ngân cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân trong 6 tháng qua...
Trong khi lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đều bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình trong việc giải cứu thị trường bất động sản, thì sự bất động đó có xuất phát từ những khúc mắc ở phía người đi vay (doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, người mua nhà) và người cho vay (ngân hàng).
Từ phía người đi vay (doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong cơn khát vốn) đặc biệt quan tâm đến gói tín dụng ưu đãi này để thực hiện các địa ốc còn dang dở; người mua nhà cũng mong chờ gói tín dụng ưu đãi có thể giúp họ hiện thực hóa giấc mơ “an cư lạc nghiệp”.
Điều kiện giải ngân ngặt nghèo khiến gói 30.000 tỷ đồng giải ngân chậm .
|
Người cho vay (các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn), cũng rất mong giải ngân số tiền này để hâm nóng thị trường địa ốc, nơi đang lưu giữ một lượng lớn tài sản thế chấp của các ngân hàng.
Nhưng thực tế, không phải như vậy. Để giải ngân được khoản vay một cách hợp lý, hợp pháp và thu hồi vốn an toàn, lại là điều không đơn giản.
Thứ nhất, khoản tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng chính thức được giải ngân từ ngày 1/6/2013. Để được vay, doanh nghiệp phải có dự án hợp lệ (đã khởi công hoặc có giấy phép xây dựng); người mua nhà phải có hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Nhìn từ hai điều kiện này, trong điều kiện hành chính của Việt Nam, khoản tiền 862,45 tỷ đồng được giải ngân trong vòng hơn 6 tháng có thể được xem là một kỳ tích.
Thứ hai, đã là tín dụng (vay mượn), thì dù thế nào, người đi vay vẫn phải chứng minh được khả năng trả nợ trong thời gian quy định. Đó là cái lý của ngân hàng, người phải đi vay để cho vay.
Thứ ba, để giải quyết cả hai vấn đề trên, người đi vay còn phải gặp một đối tượng thứ ba là cơ quan quản lý nhà nước (doanh nghiệp kinh doanh bất động sản), hoặc chính quyền địa phương – xã phường (khách mua nhà) để xác nhận “tôi là ai”.
Như vậy, vướng mắc lớn nhất của gói tín dụng 30.000 tỷ là chủ trương hướng đến những người có thu nhập trung bình và thấp, mua nhà lần đầu, nhưng giải pháp thực thi, điều kiện giải ngân lại theo cách của “nhà giàu”, đó là phải có tài sản thế chấp, phải có phương án trả nợ tối ưu.
Một thực tế đáng lưu tâm tại các dự án nhà ở xã hội đã mở bán thời gian qua là, những người có thu nhập trung bình, mua nhà lần đầu lại là những người căn cơ và có trách nhiệm nhất với các khoản tín dụng được vay. Hầu hết người mua nhà, sau khi ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư đều lựa chọn phương án vay tối thiểu (20 – 50%) giá trị ngôi nhà. Số tiền còn lại là khoản tích lũy của bản thân và gia đình họ trong nhiều năm. Đơn giản là, họ muốn trả số nợ vay mua nhà trong thời gian nhanh nhất để ngôi nhà mà họ tích lũy cả đời được thực sự là nơi “an cư, lạc nghiệp"!
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, có lẽ cơ quan quản lý nhà nước (ở đây là Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và chính quyền các cấp) cần cởi mở hơn với người đi vay. Theo đó, có thể bất cứ ai mua nhà lần đầu đều được vay một khoản tín dụng trong hạn mức ưu đãi; có thể tăng khoản tín dụng cho vay tương đương 30 – 50% giá trị ngôi nhà; người vay càng nhiều, thì lãi suất càng cao... Với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, dự án có giá bán càng thấp càng được ưu đãi nhiều, giá trung bình được ưu đãi trung bình, giá cao được ưu đãi ít. Các thủ tục hành chính xác định về nhân thân và thu nhập cần được thông thoáng hơn.
Đừng để gói tín dụng bất động sản tiếp tục “bất động” trong năm 2014.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: