Đằng sau biển báo “Khu dân cư Vĩnh Lộc B” ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) là 45 blok chung cư liền nhau, thoạt đầu thấy ngăn nắp, gọn ghẽ và thoáng đãng nhưng càng vào trong thì không khí càng vắng vẻ, ngước nhìn chỉ thấy các căn hộ “khóa đóng then cài,” không người ở; tường nứt, nền móng nứt, nhựa đóng trần bung ra, cây dại mọc um tùm ngay lối ra vào.
Dân lo chung cư sụt lún
45 block chung cư vắng vẻ và tiềm ẩn nguy cơ sụt lún. (Ảnh: Trần Tĩnh/Vietnam+)
|
Có những block (như B1-4) hoang vắng đến mức được mệnh danh là “chung cư ma.” Giữa 45 block chung cư, dù vào cuối buổi chiều nhưng lác đác mới thấy cư dân sinh sống. Càng lên tầng cao hơn không có người sinh sống, tay vịn cầu thang càng càng bám lớp bụi dày, chỉ cần lấy ngón tay vạch nhẹ là đã tạo một đường sâu. Lối đi lên rải đầy phân chuột và xác chết của côn trùng.
Chị Lợi Thị Thanh Huyền, ngụ ở block B1-1 cho biết, block này hiện có 11/43 hộ sinh sống và được xem là block có nhiều hộ cư ngụ nhất tại khu dân cư Vĩnh Lộc B, trong khi block B2-4 chỉ có 5/43 hộ, block B1-3 có 7/43 hộ, block B1-2 có 5/43…Chị Huyền mới chuyển về được hơn 1 năm nhưng sau đó đã xuất hiện cảnh nứt, sụt lún móng chung cư block B1-1. Tái định cư về đây, bên cạnh nỗi lo sụt lún nhà, chị Huyền còn có nỗi lo khác là không biết làm gì. Hiện tại, chị gần như thất nghiệp.
Cảnh tượng đó cũng xảy ra ở hầu hết các block chung cư trong khu dân cư Vĩnh Lộc B. Bằng cây gậy dài 3m, ông Trần Quang Long, ngụ tại căn 01B1-1 thọc sâu vào khe nứt của nền móng chung cư và trong nháy mắt, chiều dài cây gậy đã ngập lút.
Ông Long cho biết, gia đình ông chuyển về đây được hơn 1 năm thì chứng kiến 3-4 lần người đến sửa nứt, lún nhưng chỉ là trát ximăng vào khe nứt, bơm cát và cho đá dăm nhằm lấp khe nứt để người dân khỏi thấy, như muối bỏ bể, không hiệu quả gì.
Ông Ngô Thanh Hải, ngụ tại căn 206 B1-2 không giấu nổi vẻ lo lắng, không chỉ lo nhà sụt, bản thân còn buồn bã về chuyện công ăn việc làm. Ở chỗ cũ, ông làm bảo vệ, cũng có đồng ra đồng vào nhưng từ khi tái định cư về đây ông chỉ biết đi ra đi vào, uống nước, làm bạn với những gia đình ở khác block. Đại gia đình ông có 11 người nhưng chỉ có hai người phụ nữ làm ăn xa nuôi 9 người còn lại.
Ông Hải thở dài: “Nhiều lúc nghĩ quẩn, cứ muốn về lại chỗ cũ, ít ra cũng có cái mà làm, về đây chơi hoài nóng ruột lắm.”
Ông Hải không ngần ngại chỉ chúng tôi thấy chiếc tivi cùng bộ bàn ghế mà ông trưng ra ngay tại hành lang dẫn vào căn hộ khác, vì chưa có người ở nên ông đã “tận dụng” luôn…
Cơ quan chức năng khẳng định “không vấn đề gì”
Chủ đầu tư khu dân cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh được khởi công năm 2008, hoàn thành năm 2013, dùng để tái định cư cho nhiều hộ dân bị giải tỏa bởi các dự án khác nhau như dự án cải tạo kênh Tân Hóa-Lò Gồm, quận 6, dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên…
Chân tường chung cư nứt toác thành các rãnh dài nhưng cơ quan chức năng vẫn kết luận không có vấn đề gì. (Ảnh: Trần Tĩnh/Vietnam+)
|
Sở dĩ nhiều người không chịu nhận căn hộ tại khu dân cư Vĩnh Lộc B vì chê chất lượng không đảm bảo hoặc đòi bố trí căn hộ chung cư trên địa bàn quận Bình Tân.
Đưa những tâm tư, lo lắng của người dân đang sống tại khu dân cư Vĩnh Lộc B trao đổi với ông Lại Phú Cường, Phó trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, phóng viên nhận được câu khẳng định trước sau như một “không có vấn đề gì," chất lượng công trình xây dựng không hề bị ảnh hưởng.
Ông Lại Phú Cường nói: "Tôi đã từng bố trí tái định cư cho một người thợ hồ tại đây, ông này lên đó nhận tái định cư và nói bình thường, không vấn đề gì. Đất Bình Chánh có nền đất yếu nên việc lún sụt là chuyện bình thường. Nhiều công trình xây dựng trên huyện Bình Chánh, ngay cả trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện cũng bị lún, sụt nền. Việc đó người ta sẽ xử lý trong quá trình sử dụng. Về bản chất, cái đó không làm thay đổi nguyên khối chất lượng xây dựng. Cho nên việc người dân bảo lún, sụt, chất lượng chung cư không đảm bảo là không nói lên được điều gì (!)."
"Nếu sơn tường không có láng thì nó phải răn, không có nghĩa là nứt, kể cả vấn đề bong tróc gạch, sân. Về mặt kỹ thuật, người ta không cho cái đó là xuống cấp. Chúng tôi cũng đã phản ánh ký kiến của người dân và đoàn của Sở Xây dựng thành phố đã xuống kiểm tra, đánh giá và trả lời chúng tôi rằng chất lượng chung cư được đảm bảo." - ông Cường cho biết thêm.
Dự án Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên trải dải liên quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm quận 8, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh.
Đối với địa bàn quận Bình Tân, dự án đã khiến 2.267 hộ và doanh nghiệp bị giải tỏa. Đến nay, đã có 1.876 hộ bàn giao mặt bằng trống cho nhà đầu tư thi công. Chủ đầu tư đang thi công giai đoạn 1 của dự án.
Do quỹ đất tái định cư dự án nói trên không còn nên quận Bình Tân đã xin thành phố và được thành phố cho phép mua nền đất ở Tân Nhật, huyện Bình Chánh, để tái định cư cho những hộ đủ điều kiện.
Mặt khác, tới giai đoạn hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh không cho phép việc mua căn hộ trên địa bàn Bình Tân để bố trí tái định cư dự án tiêu nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, nên Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân phải mua chỗ khác để bố trí, trong đó có khu dân cư Vĩnh Lộc B. Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ thêm các hộ dân tự tìm nơi ở mới, không nhận tái định cư mức 20% đơn giá bồi thường đất.
Theo số liệu mà ông Lại Phú Cường cung cấp, số hộ (thuộc quận Bình Tân) đủ điều kiện tái định cư tại khu dân cư Vĩnh Lộc B là 684 hộ, đã có 505 hộ nhận tái định cư nhưng vào ở hay không thì Ban bồi thường chưa nắm chính xác.
Hiện còn tồn 161 căn hộ tại khu dân cư Vĩnh Lộc B và 21 nền đất tại Tân Nhật do người dân chưa lên nhận.
Hiện tại tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên trên địa bàn quận Bình Tân đang còn chậm do có 391 hộ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó có 302 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, tiền hỗ trợ cũng như không đồng ý giá bồi thường, chính sách tái định cư bằng căn hộ chung cư.
Mặt khác, có nhiều người dân đã không muốn nhận tái định cư với lý do chung cư kém chất lượng, ngoài địa bàn quận Bình Tân và yêu cầu bồi thường đất ở theo giá thị trường.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án nói trên tại địa bàn quận Bình Tân, ông Lại Phú Cường cho biết, đối với 157 trường hợp đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng thì quận sẽ tập trung vào công tác vận động để xem người dân có ý kiến gì nữa không, nếu thuộc thẩm quyền của Ban bồi thường thì sẽ giải quyết, nếu không sẽ kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét.
Riêng các trường hợp đã giải quyết đầy đủ, đảm bảo pháp lý rồi vẫn không chịu bàn giao mặt bằng thì quận Bình Tân sẽ xin chủ trương cho phép cưỡng chế.
Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là nếu tái định cư bằng những căn hộ kém chất lượng, chưa sử dụng đã hư hỏng cũng như việc bố trí tái định cư xa nơi giải tỏa, không thuận lợi công việc làm ăn thì người dân cũng sẽ không mặn mà gì./.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamplus
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: