Mỗi ngày có hơn 1,7 triệu người tham gia giao thông ở nội đô, chi phí tắc đường gây ra cho người dân là gần 21.600 tỷ đồng/năm, 120 - 130 nghìn người sẽ di cư đến Hà Nội trong năm nay…
Khoảng 120 - 130 nghìn người sẽ di cư đến Hà Nội trong năm nay. |
Khá nhiều con số “khổng lồ” đã được đưa ra tại báo cáo đánh giá tác động dự thảo Luật Thủ đô, vừa được Chính phủ chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Được dư luận đặc biệt quan tâm ngay từ quá trình chuẩn bị dự án luật là kiểm soát nhập cư, trong đó có cư trú ở khu vực nội đô. Theo báo cáo, số lượng người nhập cư đến Hà Nội ngày một tăng nhanh theo cấp số nhân.Trong đó, huyện Từ Liêm là nơi có đông dân cư nhất thành phố với số dân là 371.247 người (gấp 1,9 lần so với 10 năm trước đây).
Đáng chú ý là quỹ đất của nội thành rất hạn chế, diện tích ở bình quân đầu người là 20,8 m2/người, với tỷ trọng nhà cho thuê hoặc mượn là 9,4%.
Mật độ dân số trung bình của Hà Nội năm 2009 là 1.926 người/km2, so với Đà Nẵng là 691 người/km2 và Tp.HCM là 3.399 người/km2. Tuy nhiên, phân bố dân số ở Hà Nội không đều và có sự khác biệt lớn giữa các quận nội thành và các huyện. Nơi có mật độ dân số cao nhất thành phố là quận Đống Đa 36.550 người/km2, thấp nhất là huyện Ba Vì 576 người/km2, là nơi có nhiều xã miền núi nhưng vẫn còn cao hơn gấp đôi cả nước (259 người/km2).
Để giảm sức ép do gia tăng về tốc độ nhập cư vào khu vực nội thành, song vẫn bảo đảm cho người dân có điều kiện sinh sống và làm việc hợp pháp tại Thủ đô, dự thảo luật đã giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư hợp lý theo quy hoạch chung Thủ đô.
Đây là vấn đề được xem là có ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp và người dân, nhạy cảm, có nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội. Vì thế được nhóm nghiên cứu xây dựng báo cáo chọn là vấn đề 1, trong số 4 vấn đề chính, để đánh giá một cách chi tiết.
Ba phương án để giải quyết vấn đề 1 đã được mang ra phân tích. Phương án 1A là giữ nguyên hiện trạng, tức là không có quy định riêng nhằm kiểm soát số người nhập cư vào các quận khu vực nội đô ngoài biện pháp đã quy định trong Luật Cư trú. Nghĩa là nếu một cá nhân có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố từ 1 năm trở lên thì có thể được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo nhóm nghiên cứu, phương án này không có lợi ích với cả Chính phủ, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời làm tăng chi phí của Chính phủ, giảm ngân sách của thành phố, người dân phải gánh thêm hàng loạt chi phí tăng. Một con số được tính toán cụ thể là chi phí tắc đường gây ra cho người dân lên tới gần 21.600 tỷ đồng/năm.
Chi phí này được ước tính với giả thiết và dữ liệu thời gian đi lại tăng thêm 0,5 giờ/ngày; lương trung bình của một người 31.250 đồng; chi phí nhiên liệu phải trả thêm 2.500 đồng; số ngày đi lại trong năm là 365 ngày và 1 ngày có 1.752.970 người tham gia giao thông trong khu vực nội đô.
Phương án 1B quy định nếu muốn đăng ký thường trú tại Thủ đô thì phải tạm trú liên tục ở Hà Nội từ 5 năm trở lên. Đối với người lần đầu đăng ký thường trú tại Thủ đô thì phải chứng minh có việc làm ổn định, hợp pháp với mức lương ít nhất bằng hai lần lương tối thiểu chung.
Báo cáo cho rằng với phương án này, lợi ích của Chính phủ và người dân cùng doanh nghiệp đều không có, và chi phí đều tăng.
Cuối cùng, phương án 1C sẽ không áp dụng các biện pháp hành chính mà áp dụng một gói gồm các biện pháp khuyến khích để hạn chế tập trung dân cư trong khu vực nội đô và giãn dân ra khu vực ngoại đô.
Cụ thể là Chính phủ sẽ bắt buộc các dự án xây dựng mới khu văn phòng và khu nhà ở phải đặt ngoại ô, hạn chế xây mới nhà cao tầng ở nội đô; trợ giá trực tiếp cho người có nhu cầu sử dụng; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở khu vực ngoại đô và trợ giá trực tiếp chi phí đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng ở những tuyến đường đến khu vực này.
Tiếp đến là tạo cơ chế ưu đãi cho các khu xây dựng bệnh viện chất lượng cao ở khu vực ngoại đô; chuyển dần các trường đại học và các cơ quan hành chính ra khỏi phạm vi nội đô hoặc xây dựng khu hành chính của thành phố ở khu vực ngoại đô.
Ở phương án này, Chính phủ phải chịu nhiều chi phí hơn, nhưng người dân sẽ gia tăng “đáng kể” cơ hội có nhà ở với giá cả phù hợp với mức thu nhập bình quân. Không những thế còn có thu nhập cao hơn, và từ đó giúp được cho gia đình ở quê hương.
Báo cáo nêu số liệu điều tra năm 2004 cho thấy, có đến 80% số người di cư cho rằng thu nhập của họ đã cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều so với trước khi di cư. Đây có thể xem là một động lực di cư mạnh mẽ.
“Tạo điều kiện cho người nhập cư có một cuộc sống tốt đẹp ở Hà Nội chính là cách thể hiện trách nhiệm của Hà Nội với cả nước”, báo cáo nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên đây, ưu tiên lựa chọn của nhóm nghiên cứu là phương án 1C kết hợp với phương án 1B. Theo lựa chọn này, mặc dù Chính phủ và chính quyền Thủ đô sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí hơn nếu lựa chọn phương án 1C và xử lý một số vấn đề chính sách khi kết hợp với phương án 1B, nhưng về lâu dài “chắc chắn lợi ích sẽ lớn hơn chi phí”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: