Khu nhà xây dựng trái phép của ông Phan Văn Mập tại ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Ảnh: N.Nam |
Trong cuộc họp về quản lý đất đai, xây dựng sáu tháng đầu năm, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Trọng Tuấn khẳng định đến cuối năm sẽ không để nhà trái phép được tồn tại. Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn ông Tuấn về những giải pháp mạnh tay hơn trong xử lý nhà xây trái phép.
Quản lý chưa theo kịp
* Thưa ông, tại sao số lượng nhà xây dựng trái phép của huyện lại chỉ tập trung nhiều ở Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng?
+ Ba xã này giáp ranh với các quận 7, 8 và Bình Tân. Đây là những xã đang đô thị hóa với tốc độ nhanh. Khi người dân có nhu cầu về nhà ở mà chúng ta chưa đáp ứng kịp, cộng với ý thức chấp hành pháp luật kém của một bộ phận người dân, trong đó có sự góp tay của các “đầu nậu”, công tác quản lý chưa theo kịp thì tất yếu xảy ra tình trạng xây dựng trái phép.
* Quản lý chưa theo kịp thể hiện ở những khía cạnh nào?
+ Đó là vấn đề quy hoạch (sử dụng đất và xây dựng), đầu tư xây dựng (hệ thống giao thông, nhà ở, trường học...), ban hành các quy định, kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử phạt. Tất cả những vấn đề này đều không theo kịp với nhu cầu nhà ở của người dân ở những vùng tốc độ đô thị hóa nhanh. Xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B còn có một đặc điểm nữa là nền đất cứng, xây nhà cấp bốn rất dễ, không cần làm móng cũng được. Họ chỉ cần xây trong một đêm là xong!
Địa bàn quá rộng, lực lượng mỏng
* Sơ kết sáu tháng đầu năm cho thấy tại xã Vĩnh Lộc A, số nhà xây trái phép tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đi ngược với chủ trương siết lại hoạt động xây dựng trái phép, vì sao vậy?
+ Huyện có 12/16 xã, thị trấn có diện tích trên 1.000 ha. Xã Vĩnh Lộc A là 1.972 ha, xã Vĩnh Lộc B 1.744 ha, xã Phạm Văn Hai 2.700 ha... Diện tích của thị trấn Tân Túc là 855 ha, bằng 1/2 xã Vĩnh Lộc B nhưng lớn gấp hai lần diện tích quận 4. Xã nhỏ nhất của huyện thì diện tích cũng tương đương một quận nội thành. Do là địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên công tác tuần tra đôi lúc không khép kín được.
Như đã nói, nhiều trường hợp xây nhà xong chỉ trong một đêm, sau đó họ cho người già, trẻ em vào ở để đối phó, lực lượng kiểm tra không thể cưỡng chế tháo dỡ ngay được. Có người làm nhà lá giữ vườn nhưng khi dỡ lá ra thì lại là nhà xây. Tất nhiên, không thể nói là huyện không biết vì phải hỏi là gạch đá, xi măng ở đâu mang vào xây dựng. Việc vận chuyển này cũng là dấu hiệu mà nếu tăng cường kiểm tra thì sẽ phát hiện được.
Đã khởi tố một đầu nậu
* Có ý kiến nghi ngờ có sự câu kết của cán bộ quản lý nhà nước với người vi phạm nên tình trạng xây dựng trái phép mới gia tăng. Ông nghĩ sao về việc này?
+ Suốt một năm tập trung nhiều biện pháp nhưng tình hình chưa được cải thiện rõ nét. Quan điểm của UBND huyện là tiếp tục mạnh tay hơn. Vừa rồi, huyện đã khởi tố, bắt tạm giam “đầu nậu” Phan Văn Mập. Qua bị can này, công an đang điều tra xem có cán bộ nhúng tay, tiếp sức, tiêu cực ở đây không. Đó là một ẩn số cần làm rõ. Theo tôi, không loại trừ ẩn số đó. Bản thân tôi cũng nhận được đơn tố cáo nặc danh nhưng muốn xử lý thì phải có cơ sở. Và một trong những biện pháp để xử lý đó là qua cuộc đấu tranh này.
* Tình hình xây dựng trái phép sau khi “đầu nậu” Phan Văn Mập bị bắt ra sao?
+ Tình hình xây dựng trái phép ở xã Vĩnh Lộc B có giảm. Trước ngày 24-6 (ngày bắt tạm giam ông Mập - PV), mỗi tuần hơn chục vụ vi phạm thì sau đó mỗi tuần chỉ còn vài vụ.
Luân chuyển thanh tra xây dựng
* Thanh tra xây dựng huyện tăng cường thêm 84 người cho ba xã trọng điểm về xây dựng trái phép, việc này đã thực hiện đến đâu?
+ Huyện đã tăng cường thanh tra xây dựng, tăng cường việc kiểm tra, tuần tra khép kín địa bàn xã Vĩnh Lộc A. Điều đáng ghi nhận của xã này là tuy số lượng vi phạm nhiều nhưng vụ việc được phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu chiếm 2/3 tổng số. Khi phát hiện có biểu hiện tổ chức thi công hoặc đặt viên gạch đầu tiên để xây trái phép là lực lượng thanh tra ngăn chặn liền, buộc tháo dỡ liền.
Lực lượng thanh tra xây dựng thời gian tới sẽ phải thực hiện luân chuyển. Thanh tra viên, cộng tác viên xây dựng là người của xã này thì phải làm ở xã khác. Bởi nếu là người trong xã sẽ có những mối quan hệ bị ảnh hưởng, chi phối đến tính khách quan trong quá trình kiểm tra, xử lý vụ việc.
* Huyện đã có kế hoạch dài hơi trong cuộc đấu tranh này chưa?
+ Mục tiêu của huyện là lập lại trật tự kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, nếu không thì việc này sẽ phá nát quy hoạch. Huyện đang rà lại quy định chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm, trong đó có quy định về cất nhà giữ vườn. Trong tháng 8, huyện sẽ ban hành quy định sửa đổi để chấn chỉnh việc lợi dụng chủ trương này nhằm vi phạm pháp luật về đất đai, nhà ở...
* Nếu người dân phát hiện nhà đang xây trái phép, muốn báo cho huyện xử lý thì báo bằng cách nào?
+ Thỉnh thoảng vẫn có người gọi điện thoại báo cho tôi, cấp phó của tôi, chánh thanh tra xây dựng hoặc chủ tịch xã đó. Người dân khi phát hiện nhà đang xây dựng trái phép thì có thể báo ngay cho chủ tịch xã đó hoặc gọi vào đường dây nóng 24/24 giờ của thanh tra xây dựng huyện là 08.37602176.
* Xin cám ơn ông.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: