Top

An toàn chung cư cao tầng vì chất lượng sống

Cập nhật 14/02/2014 11:16

Phát triển chung cư, nhà cao tầng, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân là xu hướng của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều tiện ích mà các công trình này mang lại, việc bảo đảm an toàn cho người sử dụng tại các tòa nhà này đang đặt ra nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết.

Diễn tập phương án chữa cháy tại Khu đô thị Times City (Hà Nội).

Nhiều bất cập

Theo Quy chuẩn xây dựng của Việt Nam thì các công trình xây dựng dù cao hay thấp đều phải bảo đảm an toàn về kết cấu, lối thoát hiểm, lan-can, trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ và các an toàn khác cho người sử dụng. Riêng đối với các tòa nhà cao tầng (tức là nhà có thang máy và cao bảy tầng trở lên) thì các yêu cầu nói trên còn nghiêm ngặt hơn.

Để sống trong chung cư được an toàn (an toàn sử dụng), thì phải bảo đảm được ba yếu tố: đầu tư xây dựng phải bảo đảm các quy chuẩn an toàn; khâu quản lý và sử dụng phải được làm tốt; ý thức tự bảo vệ, gìn giữ an toàn của người dân phải cao. Song, cả ba điều này đều đang bị thiếu hụt, và đã có không ít sự cố, tai nạn xảy ra trong quá trình vận hành sử dụng, gây lo ngại cho nhiều người đang ở hoặc muốn vào ở chung cư cao tầng.

Trước tiên, về khâu xây dựng, do chất lượng thiết bị và lắp đặt không đạt yêu cầu; nhiều chủ xây dựng làm ẩu, ăn bớt nguyên vật liệu, xây dựng lan-can không đúng quy chuẩn được quy định, nên xảy ra sự cố. Xin kể ra các vụ tiêu biểu như: Vụ cháy chung cư 18 tầng trên đường Lê Văn Lương năm 2010 làm hai người chết, do cháy đường dẫn rác và cửa bịt đường này không đủ chống cháy; do tủ kỹ thuật điện bốc cháy (chung cư Xa La Hà Đông, chung cư M3-M4 Nguyễn Chí Thanh, tòa nhà văn phòng 273 Kim Mã), cháy xe trong tầng hầm tại chung cư Cầu Diễn,...

Trong khi đó, một bộ phận người dân chưa được chuẩn bị đầy đủ kiến thức, vẫn giữ thói quen sinh hoạt cũ khi sống trong các chung cư hiện đại. Họ không hiểu hoặc không làm chủ được trang thiết bị trong chính gia đình mình, dẫn đến tai nạn. Có thể kể đến vụ thắp hương gây cháy ở chung cư 93 Lò Đúc (Hà Nội); chập điện do ổ cắm bị quá tải (chung cư Phúc Thịnh TP Hồ Chí Minh); lắp máy điều hòa không đúng cách (17T4 Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội)...

Một thực trạng đáng báo động nữa là tại nhiều tòa nhà cao tầng, việc bố trí các thiết bị kỹ thuật, kết cấu xây dựng chưa tốt, nên không đáp ứng được yêu cầu ứng phó khi xảy ra cháy, nổ.

Ngoài ra, còn một số vấn đề bất cập: Công tác sơ tán, dập lửa và thoát khói khi xảy ra cháy có nhiều thiếu sót, chuông báo cháy, đèn sự cố, bơm hút khói, bình chữa cháy xách tay không có hoặc không hoạt động, cửa ra lối thoát hiểm bị khóa chặt để phòng trộm; nhiều khu đô thị chưa được trang bị xe cứu hỏa có thang và vòi nước đủ độ cao cũng như các phương tiện cứu hộ khác thích hợp với nhà cao tầng. Xe cứu hỏa khó tiếp cận nhà đang cháy vì xe cộ đậu kín lối vào, đường không đủ rộng cho xe chữa cháy đi vào, hoặc đi vào cũng không đủ không gian để hoạt động.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Để xảy ra hiện tượng mất an toàn trong chung cư cao tầng, trách nhiệm thuộc về bộ phận quản lý nhà, các cấp chính quyền đô thị, lực lượng Cảnh sát PCCC.

Đối với các nhân viên quản lý chung cư, là những người trực tiếp gần dân, đóng góp vào mức độ an toàn trong cuộc sống cư dân. Đây là lực lượng cần phải được đào tạo chuyên nghiệp, để điều hành tốt các hoạt động, vận hành thang máy, trang thiết bị trong chung cư. Tuy nhiên, đội ngũ làm công tác này tại phần lớn các khu nhà cao tầng lại đang rất thiếu chuyên nghiệp.

Về phía chính quyền các đô thị, chịu trách nhiệm chỉ đạo bảo đảm an toàn chống cháy, nổ trong phạm vi đô thị, cấp vốn mua sắm các trang thiết bị chữa cháy thích hợp với nhà cao tầng.

Phải khẳng định, cho đến nay, so với các nước trên thế giới, tình trạng cháy, nổ chung cư, nhà cao tầng ở ta chưa nhiều. Có nguyên nhân vì hầu hết các công trình được xây mới, số lượng chưa nhiều, các trang thiết bị vẫn... "còn trẻ". Tuy nhiên, theo thời gian, nguy cơ này sẽ ngày càng hiện hữu với tần suất cao hơn. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, ngay tại các nước phát triển, dù đã tích lũy nhiều kinh nghiệm xây dựng, quản lý và sử dụng chung cư cao tầng, dân trí cao, thì các cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp có liên quan vẫn phải thường xuyên tổng kết, đánh giá, nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp phòng, chống cháy, nổ.

Một cơ quan khác, có trách nhiệm lớn là lực lượng PCCC. Cơ quan này có trách nhiệm cùng cơ quan cấp phép xây dựng kiểm tra năng lực phòng cháy trong thiết kế và nghiệm thu nó khi hoàn thành xây dựng. Thêm nữa, cơ quan PCCC không chỉ thường xuyên kiểm tra tình trạng an toàn phòng, chống cháy, nổ của chung cư, mà còn có trách nhiệm định kỳ tổ chức diễn tập thoát hiểm cho người dân sống trong đó và kiểm tra năng lực của lực lượng cứu hỏa về dập lửa và sơ tán người tại thực địa. Tuy nhiên, thực tế không đạt yêu cầu tại một số công trình cao tầng chỉ bị phát hiện khi có sự cố, đặt ra những dấu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chịu trách nhiệm nghiệm thu, trong đó có lực lượng PCCC.

Chung tay vì chất lượng sống

Nói gì thì nói, ngoài tiện nghi trong mỗi căn nhà, sự an toàn cao bao nhiêu thì thể hiện chất lượng sống cao bấy nhiêu. Chúng ta từng thấy một số người ngại mua nhà trong chung cư vì lo sợ rắc rối và hiểm họa rình rập. Các cơ quan chức năng phải từng bước làm họ tin tưởng trở lại. Có tiền mua nhà, sắm thiết bị hiện đại, vào sống trong chung cư mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ tai nạn, sụt lún, thử hỏi niềm vui đâu còn trọn vẹn? Do đó, để bảo đảm an toàn, chất lượng cuộc sống, sự bình yên cho người dân trong chung cư, nhà cao tầng, hơn lúc nào hết cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, từ xây dựng, quản lý, lực lượng PCCC đến sự hợp tác của chính người dân.

Trước mắt, người dân ở chung cư cao tầng cần chủ động bảo đảm an toàn cho chính mình và người thân.

Nên nhận thức rằng, cuộc sống của mình phải được tổ chức khác hẳn với khi sống trong những ngôi nhà riêng roe, phải từ bỏ nhiều thói quen cũ, thu nạp thêm kiến thức mới về sử dụng thang máy, hệ thống cung cấp năng lượng và cấp thoát nước, thu gom rác, và nhất là kiến thức thoát hiểm khi có sự cố. Đó là cách tốt nhất nâng cao chất lượng sống và sự bình yên.

Ông Lê Quang, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước (Bộ Xây dựng): Cơ quan PCCC làm chưa tốt, các đơn vịị cũng không quan tâm đến công tác bảo trì chung cư. Thêm nữa, việc áp dụng tiêu chuẩn cũng chưa tốt. Ở đây, quy chuẩn xây dựng là cái tối thiểu, buộc phải áp dụng, còòn tiêu chuẩn xây dựng chỉ là loại văn bản khuyến khích áp dụng. Do đó, khi xây dựng, các đơn vị không áp dụng quy chuẩn, thì chỉ bịị coi là chưa tối ưu trong thiết kế, chứ không thể quy vào diện vi phạm. Đây là vấn đề chưa chặt choeoe của quy địịnh pháp luật.


TS PHẠM SỸ LIÊM Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân